Tối qua (9/8), tại Hà Nội, Diễn đàn trẻ em Quốc gia năm 2013 đã khép lại với phiên giao lưu, đối thoại giữa các em và lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành, tổ chức. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh và đại diện các bộ, ban ngành tới dự.

tre-em.jpg
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các cơ quan, ban ngành nhận khuyến nghị từ trẻ em 

Tại phiên đối thoại, 6 nhóm thanh thiếu niên đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em toàn quốc tiếp tục thảo luận, khuyến nghị, góp ý về sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục trẻ em thông qua 6 chủ đề: An toàn tính mạng và vui chơi - giải trí cho trẻ em, Các biện pháp phòng, chống bạo lực tinh thần, ngược đãi, sao nhãng trẻ em; Phòng, chống tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em; Bảo vệ, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật; Các biện pháp bảo đảm quyền tham gia của trẻ em; Bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật, trẻ nhiễm HIV và giải pháp ngăn ngừa trẻ bỏ học.

Qua đó, các em hứa cùng nhau thực hiện đầy đủ bổn phận của trẻ em, nghiêm túc chấp hành những việc trẻ em không được làm, vận động gia đình, cộng đồng và bạn bè đáp ứng các quyền trẻ em được pháp luật quy định.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao sự thành công của diễn đàn năm nay. Phó Chủ tịch nước hoan nghênh những tiểu phẩm, câu hỏi, khuyến nghị của các em được chuẩn bị hết sức chu đáo, thể hiện sự thông minh, sáng tạo thể hiện qua 6 chủ đề của diễn đàn. Phó Chủ tịch nước hy vọng, sau diễn đàn này các em trở về địa phương, tiếp tục phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Những vấn đề chưa được đề cập, các em tiếp tục phản ánh qua các kênh thông tin khác để nguyện vọng, yêu cầu của các em sớm được thực hiện.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan lắng nghe ý kiến của trẻ, rút kinh nghiệm về những việc làm, công tác chỉ đạo trong thời gian qua. Những việc gì có thể sửa đổi trong luật pháp thì nghiên cứu thực hiện. Cần thực hiện tốt các quy định trong pháp luật, chính sách hiện có. Cần tăng cường truyền thông về luật pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho gia đình, nhà trường, xã hội. Cần xử phạt nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền trẻ em. Nghiên cứu, tổng hợp những ý kiến của trẻ em để có những giải pháp cụ thể, lâu dài. Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục trẻ em tốt hơn.

Về việc lấy ý kiến của trẻ em trong việc xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch và quyết định các vấn đề liên quan đến trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị: “Các cơ quan Nhà nước, đặc biệt UBND và HĐND các cấp, các tổ chức xã hội thường xuyên lấy ý kiến và lắng nghe, tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của các em để các mục tiêu vì trẻ em thực sự được ưu tiên thực hiện, để môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em thành hiện thực. Ban soạn thảo Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sửa đổi sẽ nghiên cứu tiếp thu những ý khuyến nghị, nguyện vọng của các em. Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện các cam kết trước trẻ em cũng như thực hiện trách nhiệm, quyền hạn bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và quyền trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân”./.