Số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ tư (tính từ cuối tháng 4/2021) ở Hà Nội đã vượt mốc100.000 người. Số ca mắc mới mỗi ngày ghi nhận tại Hà Nội hiện nay là gần 3.000 ca, con số cao nhất cả nước trong thời gian qua.
Dù tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao, góp phần giảm số ca chuyển biến nặng phải nhập viện, song khi số ca mắc tăng quá cao, hệ thống y tế sẽ chịu sức ép lớn. Triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà là chiến lược linh hoạt và được đánh giá hiệu quả trên cả nước. Lúc này vai trò của y tế cơ sở và lực lượng tại chỗ được phát huy hơn bao giờ hết.
Những mô hình mới được triển khai nhưng đã phát huy hiệu quả như trạm y tế lưu động, hỗ trợ y tế online…
13 nhân viên trạm y tế lưu động chăm sóc hiệu quả 154 F0
Tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (Hà Nội) hiện có 43 tổ COVID-19 cộng đồng; 2 tổ xét nghiệm COVId-19 tự nguyện; 10 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng và mới nhất là trạm y tế lưu động được thành lập ngày 10/12/2021.
Trạm y tế lưu động được thành lập vào thời điểm Hà Nội đẩy mạnh chiến lược cách ly và điều trị F0 tại nhà. Đến nay, trạm đã hỗ trợ cho 154 trường hợp F0 điều trị tại nhà trên địa bàn. Và hiện còn khoảng 50 trường hợp đang được điều trị.
Bà Ngô Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phường được triển khai với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), huy động đông đảo các lực lượng, nhân dân tham gia công tác vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực: nhân lực, phương tiện, hậu cần, tài chính… phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và xử lý dịch khi có dịch xảy ra. Đặc biệt là xây dựng Phương án vận hành trạm y tế lưu động và điều trị F0 tại nhà.
“UBND phường đã thành lập 2 tổ cán bộ y tế làm việc tại trạm y tế lưu động của phường với nhân sự là 13 người, gồm Phó Chủ tịch phường làm Trưởng Trạm, 4 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên và 2 trưởng ban, ngành đoàn thể phường. Chúng tôi huy động ở cộng đồng các lực lượng đoàn thể và dân cư tham gia trực cùng với các cán bộ của trạm y tế lưu động. Chủ yếu trực điện thoại, bởi sẽ luôn có một người túc trực luân phiên tại đây để nhận điện thoại của người dân cần hỗ trợ và sau đó cán bộ y tế chuyên môn sẽ xử lý. trạm y tế lưu động cũng sẽ hỗ trợ và cùng các y bác sĩ trạm y tế cơ sở thăm khám các trường hợp bệnh nhân tại nhà và cấp cứu các trường hợp nặng”, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở”, bà Vân Anh thông tin cụ thể.
Mô hình kết hợp cơ sở y tế ngoài công lập
Chia sẻ cụ thể hơn về chăm sóc các F1, F0 tại nhà, bà Ngô Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết thêm, ngoài lực lượng tại trạm y tế lưu động, UBND phường cũng huy động toàn bộ các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn tham gia công tác này.
Ngoài ra việc đưa thuốc và hỗ trợ các trường hợp F0, F1, phường Ngã Tư Sở đã thành lập 10 tổ chăm sóc F0 cộng đồng. Lực lượng này chủ yếu là các cán bộ cơ sở và tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong việc phát thuốc, hướng dẫn người dân xử lý rác thải, cũng như cùng tổ COVID-19 cộng đồng hỗ trợ về an sinh xã hội như mua sắm nhu yếu phẩm, thực phẩm cần thiết hằng ngày của các hộ F0. Đường dây nóng của trạm y tế lưu động hoạt động 24/24.
Đây là mô hình hoạt động chung của hơn 500 trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng thiết lập 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp. Các trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, máy đo SpO2, bóng Ambu, test xét nghiệm nhanh COVID-19…; 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác...
Các trạm sẽ dựa trên diễn biến dịch của thành phố, số ca F0 phân bổ trên địa bàn để hoạt động phối hợp linh hoạt với các lực lượng khác.
Tại quận Hoàn Kiếm, với đặc thù khá chật hẹp, mật độ dân số cao UBND phường đã lựa chọn một số trường mầm non, tiểu học để thành lập các cơ sở thu dung. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận triển khai gần 40 trạm y tế lưu động có nhiệm vụ thu dung, khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại quận; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.
Để linh hoạt trong kiểm soát dịch hiệu quả, các khái niệm mới như “Trạm y tế online” cũng xuất hiện. Theo đánh giá của các phường, đây là phương thức hỗ trợ nhanh nhất với người mắc COVID-19 và người bệnh nhân. Cụ thể, UBND nhiều phường đã thiết lập nhóm Zalo để tư vấn cho các hộ gia đình có F0. Tất cả các trường hợp F0 đều được “add” vào nhóm Zalo riêng, trong đó có cán cán bộ UBND, cán bộ chăm sóc F0 và tổ trưởng tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng. Trong nhóm này, các F0 sẽ phản ánh những vấn đề cần thiết và tuy theo thẩm quyền, chuyên môn của các các bộ để giải quyết vấn đề. Các y bác sĩ trong tổ chăm sóc cũng sẽ có một nhóm riêng để trao đổi nghiệp vụ và phối hợp điều trị cho người bệnh.
Ngoài nhóm Zalo hỗ trợ F0, các cán bộ được phân công chăm sóc F0 vẫn trực tiếp gọi điện hằng ngày. Theo quy trình hoạt động, sau khi tư vấn cho các F0, các y bác sĩ trạm y tế lưu động sẽ báo cáo về trạm y tế cơ sở các trường hợp có triệu chứng cần thiết phải phân tầng điều trị. Sau đó, Trạm trưởng trạm y tế cơ sở sẽ quyết định.
Tuy nhiên, với kịch bản chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn ở mức cao mỗi ngày, các phường đã nêu vấn đề khó khăn về nhân lực.
Dù còn nhiều khó khăn như lực lượng hỗ trợ cho hoạt động của trạm y tế lưu động hầu như là những y, bác sĩ làm việc tại các phòng khám ngoài công lập, vì vậy việc bố trí thường trực tại 24/24 rất khó; việc quản lý F0 tại nhà còn gặp trường hợp ý thức chấp hành kém… song các y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của trạm vẫn đang nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo các UBND phường cũng kiến nghị việc tạo cơ chế linh hoạt hơn và có chế độ cho các lực lượng khác tham gia trực tại các trạm y tế cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở, bà Vân Anh cho biết: “Trong dịp Tết, nhiều y bác sĩ sẽ về quê. Đây sẽ là khó khăn và chúng tôi đang phải rà soát lại lực lượng để lên phương án trong dịp Tết. Tôi đã trao đổi vấn đề này với bác sĩ BV Bạch Mai được tăng cường cho trạm y tế lưu động các phường để đểg hỗ trợ trong dịp Tết. Các hệ thống tham gia trực Tết đều phải chung sức chống dịch, như lực lượng công an, dân quân, cán bộ ủy ban…”./.