xqt2_vov_lqdx.jpg
Xe quá tải chở đất không che chắn trên QL 513 qua địa bàn xã Tân Trường
Thời gian qua, việc kiểm soát tải trọng phương tiện đang được các địa phương và các Bộ, ngành chú trọng nhằm xóa sổ xe quá tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên gần đây, ở một số địa phương đang có tình trạng buông lỏng kiểm soát, đùn đẩy trách nhiệm, nhiệm vụ dẫn tới sự hoạt động ngang nhiên và thách thức của xe quá tải trọng. Hàng loạt tuyến đường giao thông đang đứng trước nguy cơ bị phá nát.

Chúng tôi trở lại tuyến đường trọng điểm hoạt động của xe quá tải Nghi Sơn – Bãi Trành thuộc địa bàn huyện Như Thanh và Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tuyến đường này hầu như đã hư hỏng hoàn toàn bởi hàng đoàn xe quá tải chở vật liệu xây dựng hoạt động ngày đêm…

Đường Nghi Sơn - Bãi Trành (Quốc lộ 513) nối Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tháng 9/2004 và đưa vào khai thác đầu năm 2009. Đây là tuyến đường huyết mạch phát triển khu Kinh tế Nghi Sơn.

Xe chở xi măng cao quá thùng cũng cùng tham gia "phá đường"

Từ QL1 rẽ vào chân cầu vượt Nghi Sơn - Bãi Trành, quốc lộ 513 hướng về xã Tân Trường, khoảng 15h chiều, hình ảnh hàng đoàn xe 3 chân, 4 chân, xe HOWO…chở đất, đá, vật liệu xây dựng cao vút thành thùng chạy rầm rầm thành đoàn dài, bụi mù mịt. Đoạn đường chừng hơn 3km vào khu mỏ đá Tân Trường nát bươm không một chỗ lành lặn. Nhiều ổ voi, ổ gà trên bề mặt đường hẹp, khiến xe cộ lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn, nhất là xe máy và xe đạp của các em học sinh.

Bà Nguyễn Thị Dư, ở xóm 6, xã Tân Trường vừa dùng vòi bơm xịt nước ra phía trước cửa nhà cho đỡ bụi than thở: Nhà tôi ở mặt đường nên khổ lắm, vì phải sống chung với bụi những ngày nắng, khô hanh như  bữa nay và nước bẩn bắn tung tóe vào nhà khi có mưa nhỏ.

“Để tránh bụi và nước bẩn, tôi chỉ còn có cách duy nhất là đóng cửa, song các đồ dùng trong nhà như bàn ghế, giường, tủ…thứ gì cũng bám lớp bụi dày. Tôi mong sao nhà nước sớm có biện pháp để những hộ dân sống dọc 2 bên đường được sống trong môi trường đảm bảo. Chứ sống như ni sống mô được…”, bà Dư nói.

Trời nắng, lúc nào tuyến đường cũng bụi mù mịt như thế này, còn trời mưa thì lầy lội.

Nhưng theo quan sát, khi các xe chở nước tưới đường hoặc người dân hắt, phun nước cho bớt bụi thì đất, đá rơi vãi dưới đường sau mỗi chuyến xe qua lại càng lan rộng, khiến ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.

Người dân ở đây cho biết, khoảng hơn một tháng trở lại đây, trạm cân tải trọng xe ở đây tự nhiên không thấy hoạt động nữa. Do vậy, xe vận tải, xe chở đất, đá, xi măng, vật liệu xây dựng cơi nới thành thùng, vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng suốt ngày đêm làm cho tuyến đường phải “oằn mình” gánh đỡ, gây hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Không chỉ bà Dư mà hàng trăm hộ dân xã Tân Trường sống dọc 2 bên đường đều có chung niềm mong ước như vậy. Ông Lê Văn Bình, nhà ngay đầu xóm 6, chỗ ngã ba rẽ vào nhà máy xi măng bức xúc nói, xe quá tải chạy ầm ầm suốt ngày đêm, đất, đá rơi xuống đường, bụi mù mịt khiến cuộc sống sinh hoạt gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn.

“Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, sợ bị ảnh hưởng tới đường hô hấp. Từ gần tháng nay nhà tôi phải cho các cháu về bên nhà ngoại ở xã bên để tránh bụi bẩn. Xe tải chạy như điên, lấn đường, nhưng lạ là không thấy bóng dáng công an đâu…”, ông Lê Văn Bình cho biết.

Quay trở ra trạm cân xe quá tải đặt phía bên kia cầu vượt, trên tuyến đường dẫn vào Khu kinh tế Nghi Sơn. Tại đây, dù là giữa buổi chiều, nhưng trạm cân không hoạt động, bàn cân điện tử đặt dưới đường được chặn hàng rào hai đầu tránh xe cộ lao vào, những thiết bị điện được phủ bạt kín mít. Khi thấy chúng tôi đến, có 2 người mặc trang phục thanh tra giao thông ra “hỏi han”.

Xe HOWO quá tải vô tư qua trạm cân

Qua cuộc trò chuyện, được biết họ ở đây có nhiệm vụ chính trông cái trạm cân này. “Theo chỉ đạo chúng tôi phải cắt cử người ở lại để trông trạm cân và thiết bị, chưa có lệnh rút thì không thể về được.”, một nhân viên cho biết.

Làm việc với phóng viên, ông Lê Sỹ Do, Phó Chánh thanh tra – Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết: trạm cân này đã hoàn toàn ngừng hoạt động từ hơn tháng nay.

Theo lý giải của Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, thì sau Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp giữa ngành Công an và ngành giao thông vận tải về kiểm soát tải trọng phương tiện ngày 30/8/2016 đến nay, phía cảnh sát giao thông đã không còn tham gia phối hợp kiểm soát xe quá tải ở tuyến đường này nữa.

“Sau khi tổng kết kế hoạch 12593 thì lực lượng cảnh sát giao thông tạm thời dừng tham gia phối hợp theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an. Để tiếp tục phối hợp kiểm soát tải trọng đảm bảo nguyên tắc thì phải sửa lại quy chế nên họ đã rút lực lượng…”, ông Lê Sỹ Do cho biết.

Ông Lê Sỹ Do cho biết, để khắc phục tình trạng này, ngày 11/10 vừa qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã có công văn tờ trình mới nhất số 4187 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy chế tạm thời để trạm kiểm soát tải trọng xe tiếp tục hoạt động.

Tại Hội nghị Tổng kết 2 năm triển khai kế hoạch về kiểm soát tải trọng phương tiện giữa 2 ngành công an và giao thông vận tải tổ chức ngày 30/8/2016, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã yêu cầu các đơn vị chức năng mà đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ là phải làm thường xuyên, liên tục để kiên quyết xử lý rứt điểm xe quá tải trọng.

 “Tới đây việc thực hiện kiểm soát tải trọng phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ủy ban ATGTQG, của Bộ Công an, của Bộ GTVT, và phải làm thường xuyên liên tục để xử lý kiên quyết từ gốc, không để chủ xe, chủ hàng cho xe quá tải lưu thông trên đường mới kiểm tra xử lý như hiện nay…”, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.

Trạm cân ở đường vào KKT Nghi Sơn từ lâu đã không còn hoạt động

Mặc dù đã có sự chỉ đạo như vậy, thế nhưng sau gần 2 tháng, việc kiểm soát xe quá tải ở Thanh Hóa đã thật sự bị buông lỏng theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Nhìn sự tan nát của cả một con đường, không ai không xót xa.

Trong khi, để làm lại con đường Nghi Sơn – Bãi Trành này, năm ngoái Bộ Giao thông vận tải đã từng đề xuất kinh phí trên 1.400 tỉ đồng. Một con số không hề nhỏ và quá là nghịch lý, khi việc hư hỏng bắt nguồn từ những xe quá tải như thế này.

Thực tế, hơn 1 tháng qua, trạm cân Nghi Sơn - Bãi Trành đã không còn hoạt động. Lý do không phải là do cân hỏng mà lý do rất đơn giản: giữa lực lượng TTGT và CSGT đã không còn ngồi được với nhau để làm nhiệm vụ cân tải trọng xe ở đây.

Đây là dấu hỏi và cũng là nghịch lý mà người dân muốn biết, bởi hàng ngày hàng đoàn xe quá tải rầm rộ đi qua, đang phá nát cả hạ tầng của đường Nghi Sơn – Bãi Trành, còn cuộc sống của người dân thì thực sự khó khăn./.