Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 10 gây mưa rất to từ các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định. Sáng 7/11, trời đã hết mưa, chính quyền và người dân các địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả.
Mưa lớn, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều nơi trên địa bàn xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hiện chưa có số liệu cụ thể về thiệt hại nhưng ít nhất, hàng chục căn nhà dọc các con sông đã bị sạt lở, cuốn trôi.
Cụ thể, 14 căn nhà tại làng Tắc Pát, thôn 2, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My vừa bị sạt lở trôi xuống sông. Làng Tắc Pát là một trong 3 làng được chọn để xây dựng làng văn hóa cộng đồng của huyện miền núi Nam Trà My.
Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cho biết, các năm trước, khu dân cư làng Tắc Pát vẫn an toàn nhưng sau cơn bão số 9 vừa qua, dòng chảy các sông thay đổi đã gây sạt lở. Theo ông Phan Quốc Cường, trước đó, chính quyền xã Trà Leng đã di dời gần 40 hộ dân làng Tắc Pát đến nơi an toàn.
“Vừa thiệt hại thêm tại làng Tắc Pát, thôn 2, xã Trà Leng bị sạt lở do đổi dòng chảy. Chỗ đó đã di dời khoảng 40 hộ. Đối với điểm sạt lở này địa phương đã di dời dân nhưng chưa kịp di dời nhà”, ông Cường nói.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền huyện Nam Trà My đã di dời hơn 1000 hộ dân trong vùng có nguy sơ sạt lở đến nơi an toàn. Những hộ dân bị sạt lở núi vùi lấp hoặc hư hỏng nhà cửa do thiên tai, huyện Nam Trà My sẽ bố trí chỗ ở tạm. Hiện tuyến Quốc lộ 40B từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My vẫn ách tắc nghiêm trọng, ngành giao thông vận tải đang khắc phục thông tuyến bước 1 sớm nhất có thể.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Nhà bị trôi tại thôn 2, xã Trà Leng có 14 căn nhà. Những hộ bị sạt nhà đã chọn địa điểm cùng với hỗ trợ làm nhà lại cho dân. Hiện huyện Nam Trà My bố trí chỗ ở tạm và giao cho UBND xã cung cấp thực phẩm cho họ”.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến sáng 7/11, trời bớt mưa, lũ trên các sông đang xuống chậm, nhưng còn dao động ở mức cao. Tình trạng ngập lụt vẫn còn diễn ra ở vùng trũng, thấp ven sông, các khu dân cư tại một số địa phương thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Nguy cơ sạt lở đất còn có thể xảy ra ở các huyện miền núi: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long… Hiện các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời rà soát các khu vực nguy cơ bị sạt lở cao, di dời dân đến nơi an toàn.
Qua kiểm tra thực tế tại các huyện miền núi, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh thống nhất về nguyên tắc, mỗi địa phương miền núi lập dự án xây dựng các khu dân cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân có nguy cơ sạt lở núi cao, ở khu vực triền đồi thuộc các địa phương.
Tại tỉnh Bình Định, mưa lũ gây ngập cục bộ, chia cắt các xã thuộc 2 huyện miền núi Hoài Ân, Vĩnh Thạnh. Riêng tại huyện Vĩnh Thạnh đã xảy ra 30 điểm sạt lở lớn, gây ách tắc giao thông. Hàng ngàn khối đất, bùn non và đá đổ xuống đường khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã sạt lở nghiêm trọng.
Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho biết, địa phương chủ động di dời 127 hộ dân vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
“Giải pháp của huyện trước mắt là tập trung giải phóng, tạo đường lưu thông cho xe máy đi trước. Hiện nay, đường đã lưu thông vào được trung tâm xã và đi một số thôn ở gần”, ông Thành cho biết thêm./.