Giảm mật độ khu cách ly bằng cách ly F1 tại nhà
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, hiện nay việc cách ly F1 trên địa bàn TP đang tăng cao, gây áp lực lên cho các cơ sở cách ly, đặc biệt là cho nhân viên y tế. Điển hình như tại Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, chỉ cách ly khoảng 2.000 người nhưng nhân viên y tế đang kiệt sức. Tại đây không có nhân viên thu tiền hằng ngày, nhân viên y tế phải kiêm nghiệm thực hiện mọi việc kể cả thu tiền của người cách ly. Ngoài ra, tình trạng ứ đọng rác thải chưa kịp xử lý. Thêm vào đó, người cách ly sau 21 ngày được hoàn thành việc cách ly và được trở về nhưng vẫn phải chờ thêm 2-3 ngày sau vì chưa có kết quả xét nghiệm nên chịu áp lực tâm lý.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói: “Có lẽ chúng ta nên tập trung ở những khu cách ly cho đảm bảo. Sáng nay Bộ Y tế cũng đã ký quyết định cho thí điểm cách ly tại nhà. Nếu chúng ta có trường hợp nào có điều kiện thì nên tranh thủ để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly của thành phố”.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, vấn đề quan trọng của TP.HCM hiện nay là đánh giá được tình hình diễn biến dịch tới đâu, kiểm soát kiềm chế ở mức độ nào, để từ đó mới có biện pháp xử lý, nếu đánh giá không đúng tình hình thì hậu quả khó lường.
Đối với các chuỗi lây nhiễm tại TP, khi vừa khoanh vùng kiểm soát được chuỗi này lại phát triển các chuỗi lây nhiễm mới, điều đó cho thấy so với ngày 27/5, các điểm và chuỗi lây nhiễm bất chợt và rất khó lường.
Vừa qua, TP.HCM đã thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị 10, đạt kết quả nhất định nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp vì vậy phải xem xét các biện pháp cao hơn.
Nghiên cứu tổ chức chợ luân phiên
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các giải pháp trong Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng tương tự, chỉ có điều chợ chưa cấm và cũng không thể cấm việc lưu thông hàng hóa, dẫn đến đứt gãy sản xuất trong việc phát triển kinh tế xã hội. TP cần các biện pháp kiên quyết hơn, triệt để hơn. Lấy ví dụ một chợ thủy sản ở Trung Quốc trở thành ổ dịch lây lan bùng phát dịch bệnh, Phó Thủ tướng tán thành việc cấm chợ, phải “cắn răng chịu đựng”, vì hiện nay xuất hiện nhiều ca nhiễm từ các khu chợ có mật độ giao thương lớn, nếu không khéo sẽ mất kiểm soát.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến nay là ngày thứ 9 liên tiếp với số ca bệnh trên 3 con số mỗi ngày, hiện chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc đợt giãn cách thứ 2. Trên tinh thần siết chặt các biện pháp cấp bách, ông Phong yêu cầu các quận huyện, sở ngành phải đánh giá lại việc triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 10 của Thành phố, đề ra những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong 5 ngày tới. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng, đề nghị cứ 300 hộ dân phải có 1 tổ Covid cộng đồng.
Đặc biệt, đối với chợ truyền thống, nên tính toán và nghiên cứu mô hình của Quận 8 đang áp dụng, có thể là luân phiên cách ngày. Còn chợ đầu mối phải thực hiện nghiêm bộ tiêu chí an toàn.
“Các chợ đầu mối phải có phương án cụ thể. Sở Công thương nên thảo luận với các địa phương, huyện Hóc Môn, quận 8, TP.Thủ Đức, yêu cầu các hộ kinh doanh ký bản cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn, tích điểm cụ thể, nếu vi phạm thì tạm ngưng kinh doanh”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, TP hiện có các chuỗi lây nhiễm Covid-19 liên quan chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền, chợ Kim Biên, mỗi chuỗi hàng chục ca bệnh./.