Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Indonesia, sáng 22/8, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm hiểu dự án tích hợp phòng chống lũ lụt ven biển của Indonesia.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo TPHCM đã nghe nhóm chuyến gia Hà Lan trình bày về công trình "seawall", bức tường ven biển phòng chống lũ lụt của thủ đô Jakarta. Đây là dự án hợp tác giữa Chính phủ Indonesia và Hà Lan với sự trợ giúp kĩ thuật của Hàn Quốc.
Ông Carel de Groot, thuộc nhóm chuyên gia Hà Lan chia sẻ: “Trong vòng 10 năm tới, khoảng 1-1,5 triệu người Jakarta sẽ bị ảnh hưởng tới lũ lụt hàng năm. Những thiệt hại do lũ lụt gây ra rất cao ảnh hưởng tới công trình, tài sản. Chúng tôi đưa ra một giải pháp mang tính tích hợp, trong đó có xử lí đất nền lún, ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm, xử lí lũ lụt và xây dựng đê đa năng.”
Theo đại diện Ban dự án, hàng năm, đất nền của Indonesia bị sụt lún từ 2-20cm. Dự đoán đến năm 2030, 90% diện tích đất của phía Bắc Jakarta nằm dưới mực nước biển. Bên cạnh biến đổi khí hậu, nguyên nhân của sự sụt lún đất nền còn do việc khai thác nước ngầm quá mức.
Đứng trước cảnh báo báo về tình trạng thủ đô Jakarta đang bị chìm nhanh xuống biển, chính quyền thành phố đã xây dựng kế hoạch tổng thể để phát triển hệ thống đê ven biển, ven sông, phòng chống ngập lụt cho Jakarta.
Dự án sẽ xây dựng 120km đê ven biển và sông chia làm ba giai đoạn. Với dự án này, từ năm 2020-2025, tình trạng sụt lún đất sẽ chấm dứt. Theo nhóm chuyên gia Hà Lan, với việc đầu tư 8 tỷ USD cho các công trình chống ngập lụt, có thể mang lại lợi ích kinh tế khoảng 55 tỷ USD.
Thủ đô Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh hiện nằm trong top 10 thành phố có tốc độ sụt lún nhanh nhất thế giới./.