Kỷ niệm ngày sơ cấp cứu thế giới, sáng 12/9, tại bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, 500 tình nguyện viên đã tham gia diễn tập phương án phòng ngừa, ứng phó sạt lở và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do Hội Chữ thập Đỏ thành phố tổ chức.

cuu_ho_2_tr_dhig.jpg
Triển khai cứu nạn trên sông
Tình huống giả định là 5 căn nhà sát bờ sông bán đảo Thanh Đa bị đổ sập xuống sông sau cơn mưa to kéo dài ngay lúc triều cường dâng cao, nhiều căn nghiêng một bên hoặc có nguy cơ sụt lún, khiến 10 người bị rơi xuống sông và 30 người bị thương.

Được tin báo, Đội sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa quận Bình Thạnh triển khai ngay công tác ứng cứu. Đồng thời, huy động lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập Đỏ thành phố tới hiện trường tham gia cứu nạn, cứu hộ. Các lực lượng đã hướng dẫn người dân trong khu vực tới nơi an toàn.

Đưa các nạn nhân ra khỏi khu vực bị sạt lở
Xác định tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu ban đầu, đến nay, Hội Chữ thập Đỏ thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được hơn 1.000 chốt cấp cứu tại các tuyến Quốc lộ và các phường, xã, thị trấn với trên 10.000 cấp cứu viên. Trong năm qua, các chốt sơ cấp cứu đã sơ cứu hơn 6.000 trường hợp tai nạn giao thông và chuyển viện an toàn. Từ đầu năm đến nay đã sơ cứu hơn 5.000 trường hợp.

Tiến hành sơ cấp cứu ban đầu cho người bị thương
Ông Lê Minh Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa thành phố cho biết: “Khi nạn nhân bị chấn thương, nếu không có thao tác kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu sẽ làm cho nạn nhân bị trầm trọng thêm. Do vậy sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng và đặc biệt nếu tranh thủ được thời gian vàng trong 4 phút trước khi nạn nhân bị ngừng tim, ngừng thở để cấp cứu nạn nhân trước khi chuyển viện”./.