TP.HCM vẫn rất cần sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực để chống dịch trong thời gian tới.
Theo đó, TP.HCM đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số là 3.969 người. Đợt 1 có 3.671 người, bao gồm 612 bác sĩ, 1.362 điều dưỡng, 68 kỹ thuật viên và 1.629 sinh viên. Đợt 2 có 289 người, bao gồm 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên.
Các nhân viên y tế 2 đợt nói trên hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc như: Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid nặng; các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhẹ và các địa phương phục vụ công tác truy vết, xét nghiệm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ngoài ra, lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã thu hút nhiều người trong và ngoài ngành y hưởng ứng, đăng ký. Sau 3 ngày kêu gọi đã có 2.154 người đăng ký. Lực lượng này cũng đang được Sở Y tế TP.HCM sắp xếp, phân bổ về các địa phương có nhu cầu để cấp tốc hỗ trợ các quận, huyện trong hoạt động phòng chống dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 72.740 trường hợp mắc Covid-19 được công bố. Ngày 26/7, TP.HCM có thêm 1.955 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 16.659.
Hiện TP.HCM đang điều trị 37.714 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh dương tính); trong đó có 696 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO; có 698 bệnh nhân tử vong (cộng dồn từ đợt dịch đầu tiên đến nay).
Với số lượng ca nhiễm ngày càng nhiều, TP.HCM cần tăng cường hơn nữa hiệu quả chăm sóc, điều trị cho người mắc Covid-19; xác định rõ mục tiêu ưu tiên cụ thể cho mỗi tầng trong mô hình điều trị Covid-19 tháp 5 tầng. Cụ thể, ổn định sức khỏe để bệnh nhân sớm khỏi bệnh, xuất viện, giảm số lượng bệnh nhân nhẹ tiến triển thành nặng đối với tầng 1 và 2; giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong, đưa bệnh nhân nặng thành thể nhẹ đối với các tầng cao hơn./.