Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã có buổi làm việc với lãnh đạo công ty về các biện pháp xử lý và phòng chống lây lan.

cong_nhan_zace.jpg
Một công nhân bị bệnh thủy đậu đang được điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM. (Ảnh : Báo Người Lao động)

Tính đến hôm qua (4/1), tại Công ty Gunze đã ghi nhận 30 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Trường hợp đầu tiên khởi phát ngày 17/11/2016 với các triệu chứng nổi bóng nước trên da, sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn… Trường hợp mới nhất khởi phát ngày 22/12/2016.

Trong những ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng Quận 7 đã  thực hiện phun hóa chất cloramin B trên toàn bộ diện tích nhà xưởng của công ty; đồng thời, hướng dẫn nhân viên y tế hàng ngày diệt khuẩn môi trường khu vực làm việc, nhà ăn và khu vệ sinh của công nhân. 

Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng hướng dẫn Công ty TNHH Gunze Việt Nam cho công nhân mắc bệnh được nghỉ làm và chỉ đi làm trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của bác sỹ. Khi phát hiện công nhân đang làm việc có biểu hiện mệt mỏi, sốt, công ty sẽ cho nghỉ, cách ly nhằm tránh bệnh lây lan.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu có thể lây lan qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm. Ví dụ, người bệnh hắt hơi, ho, hoặc có thể lây nếu đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thuỷ đậu. Bệnh cũng có thể lây lan từ tiếp xúc quần áo, ăn uống sử dụng chung đồ sinh hoạt cá nhân… Nếu bị mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần phải được cách ly, nghỉ học, nghỉ làm để không lây lan ra cộng đồng. Sử dụng các biện pháp phòng tránh như rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần hợp tác với ngành y tế, để phòng bệnh cho công nhân.

Bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết: “Đối với một cơ sở, công ty hoặc cơ quan công sở, trường học khi biết có trường hợp bị thủy đậu chúng ta thông báo với người xung quanh. Đặc biệt là những người cùng làm gần với người bệnh. Nếu phát hiện 2 ca bệnh trong vòng 14 ngày báo ngay cho y tế địa phương”./.