Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, TP vừa phát hiện một chuỗi lây nhiễm với số bệnh nhân được là 28 trường hợp. Đáng nói là chuỗi lây nhiễm này được phát hiện khi các bệnh nhân đi khám bệnh ở 3 bệnh viện khác nhau do có triệu chứng sốt ho, nhưng đều cùng một ổ dịch.
Theo HCDC, từ 2 bệnh nhân là BN9612 và BN9613 của một công ty cơ khí chế tạo máy ở Ấp Mới 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, có địa chỉ cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, được phát hiện khi đi khám tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố đã phát hiện chuỗi lây nhiễm với số bệnh nhân được phát hiện là 28 trường hợp.
Trước đó vào ngày 8/6, BN9612 (là cha vợ) và BN9613 (con rể) làm việc tại xưởng cơ khí đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất do có triệu chứng sốt kéo dài 3 ngày qua, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cả hai bệnh nhân đều cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
Người em trai của BN9612 cư trú tại quận Tân Bình cùng làm việc tại xưởng cơ khí cũng có triệu chứng bệnh nên đi khám tại Bệnh viện Trưng Vương cũng được phát hiện dương tính vào ngày 8/6, đã được Bộ Y tế công bố BN9614.
Từ đây, qua quá trình điều tra, truy vết, Thành phố đã phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến 3 bệnh nhân này. Tất cả những trường hợp bệnh nhân được phát hiện sau này đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.
Gia đình BN9612 có vợ cùng 4 người con đều mắc Covid-19. Người vợ của ông đã có triệu chứng sốt vào ngày 30/5. Người này có mối quan hệ bà con với BN9504 - làm việc tại nhà bếp của 1 khách sạn ở Tân Bình.
BN9504 được phát hiện do có triệu chứng hô hấp nên đi khám tại phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ, quận tân Bình vào ngày 6/6. Từ người này cũng phát hiện ra 2 đồng nghiệp làm chung khách sạn là BN9017 và BN9505.
Từ người con rể BN9613 sống tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, phát hiện thêm mẹ ruột và con gái, cùng 7 hàng xóm khác cũng mắc Covid-19.
Còn trường hợp BN9614 (em trai của BN9612), cư trú tại Tân Bình có vợ là BN9621 và có tiếp xúc với vợ chồng sui gia là BN9622 và BN9623, hiện đang cư trú tại Bình Chánh. Đây cũng là cặp vợ chồng được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 khi đi khám tại Bệnh viện Bình Chánh mà VOV đã đưa tin chiều nay.
Các trường hợp tiếp xúc gần với các 28 ca mắc Covid-19 nói trên đã được chuyển cách ly tập trung, các trường hợp tiếp xúc vòng 2 cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa nơi cư trú của các bệnh nhân, mở rộng xét nghiệm tầm soát các hộ gia đình nơi phong tỏa.
Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
“Thành phố sẽ không để doanh nghiệp khó khăn vì sự chậm trễ của chính quyền” là khẳng định của lãnh đạo UBND TPHCM tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp bàn giải pháp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn ra sáng nay (10/6).
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ có gói hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
5 tháng qua, con số 6 ngàn 200 doanh nghiệp hoạt động trở lại tại TPHCM, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu khởi sắc cho kinh tế thành phố. Tuy nhiên, mới đây dịch bệnh quay trở lại đã gây ảnh hưởng rất lớn. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện thành phố có 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn với hơn 42 ngàn 500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc, 80% doanh nghiệp bị giảm doanh thu; số doanh nghiệp giải thể tăng 5%, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là sớm có vaccine tiêm ngừa cho người lao động, vì nếu xảy ra ca mắc Covid-19 sẽ tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng trả phí tiêm vaccine cho người lao động và nhân viên.
Các doanh nghiệp may, giày da có sử dụng lao động nhiều thì càng lo hơn, vì đơn hàng đã có trở lại, nhưng nhiều khả năng sắp tới sẽ giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM kiến nghị ngành y tế hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết bị test nhanh cho công nhân.
Một số ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố đã kết nối lại nguồn cung nguyên liệu sản xuất, nhưng giá nguyên liệu tăng rất cao, cộng thêm chi phí vận chuyển trong nước, cước phí vận tải quốc tế đều gia tăng gấp nhiều lần nên chi phí sản xuất gia tăng, khiến giá thành gia sản phẩm tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn.
Bà Đặng Minh Phương- Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Minh Phương logistics cho biết: trong thời điểm này, doanh nghiệp đang chịu rất nhiều phí liên quan đến vận tải, phí cầu đường, cảng biển. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc giảm bớt các loại phí này.
Cụ thể là Bộ GTVT miễn, giảm thu phí đường bộ; thành phố nên tạm ngưng việc thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển dự kiến từ ngày 1/7 tới. Việc thu phí tại Xa lộ Hà Nội cũng nên giảm 50% cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Mỗi tháng, doanh nghiệp của bà Phương đã phải đóng thêm 1 tỷ đồng tiền phí đoạn đường này.
“Nên đưa dịch vụ logistics gói kích cầu đưa vào gói kích cầu ở TP.HCM, vì chi phí này ảnh hưởng trực tiếp giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho ngành du lịch, vận tải hang hóa, vận tải hành khách và logistics”, bà Phương nói.
Một trở ngại khác của doanh nghiệp hiện nay là vốn. Theo Hiệp Hội doanh nghiệp TP.HCM, 90% doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất. Do đó, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; phía ngân hàng nên hỗ trợ doanh nghiệp khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới để đẩy mạnh sản xuất khi thị trường đã phục hồi.
Một số doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ lãi suất trả lương cho người lao động để giữ chân họ trong lúc khó khăn.
Ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TAT kiến nghị: “Chỉ cần giảm 1% lãi suất cho doanh nghiệp đang vay là nguồn động viên lớn. Chúng ta miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân, chúng ta lấy tiêu chí doanh nghiệp lỗ liên tiếp 2 năm 2019-2020”.
Để giải quyết khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết: Thành phố có chương trình cho vay lãi suất ưu đãi cho các nhóm ưu tiên như: sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ và miễn giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Thời gian tới, thành phố sẽ có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, với các chương trình thiết thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng. Về việc tiêm vaccine cho công nhân - mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay.
“Mục tiêu của chúng ta là tiêm vaccine cho toàn dân, nhưng nguồn cung không có cùng 1 lúc nên không thể thực hiện 1 lúc vì vậy chúng ta phải có lộ trình. Lộ trình đó sẽ xác định ưu tiên cho đối tượng nào trước. Chúng ta xác định là tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, chiến lược để thoát khỏi dịch bệnh này", ông Phong nói.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó TP luôn quan tâm đồng hành tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm thực hiện đạt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế./.