Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu những lý do để thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố này.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, với mật độ dân số rất lớn, TP HCM có nhiều vấn đề phát sinh lớn và đòi hỏi phải xử lý nhanh. Việc xử lý chậm sẽ gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế thành phố. Do đó, thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp việc đưa ra quyết định xử lý các vấn đề nhanh hơn. Đặc biệt, nâng cao và gắn trách nhiệm với cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và các phường. Nếu người đứng đầu này không đáp ứng được thì việc thay thế sẽ do UBND, Hội đồng thành phố quyết định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi “Có làm được hay không?”, đồng thời đưa ra câu trả lời nêu cụ thể 6 lý do thích đáng để TP HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Trong đó, TP HCM đã hơn 6 năm làm thí điểm theo Quốc hội quy định không có Hội đồng nhân dân (HĐND) của 24 quận và huyện, 259 phường, xã. Do vậy, những vấn đề lo ngại phát sinh thành phố đã giải quyết khi thực hiện thí điểm trong 6 năm qua và không có vấn đề lớn phát sinh. TP HCM theo kinh nghiệm TƯ hướng dẫn đã có đầy đủ khả năng khắc phục những nguy cơ lớn.
“Có dân chủ hay không? So với 10 năm trước, ngoài cơ chế HĐND giám sát, ĐBQH giám sát, hiện thành phố có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát. Trong đó, Đảng giám sát chính quyền các cấp và triển khai từ năm 2013. Thành phố cũng có Quy định 1374, yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh của người dân trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại, tố cáo… Thực tế, với quy định này, trong 33 tháng thực hiện, thành phố đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân và xử lý kịp thời gian 96% ý kiến. Như vậy, bình quân mỗi tháng, TP tiếp nhận 239 ý kiến mỗi tháng, mỗi ngày 8-9 ý kiến và qua đó, phải xử lý cán bộ. Trong 33 tháng vừa qua, bình quân một tháng xử lý 10 Đảng viên và 11 cán bộ công chức có sai phạm và do người dân phát hiện”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Một yếu tố lợi thế của TP HCM là có ý thức thực hiện đô thị thông minh. Người dân thông qua điện thoại di động, email… báo cho chính quyền các cấp xử lý các vấn đề hằng ngày. Theo đó, các quận huyện tiếp nhận hàng nghìn thông tin mỗi tháng của người dân. Bên cạnh đó, hàng năm, thường vụ, thành uỷ cùng rà soát và đồng bộ hoá nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra, giám sát của 4 cơ quan Quốc hội, HĐND, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Thanh tra của chính quyền và kiểm tra của Đảng. Thông qua đó, giúp việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Quốc hội đã có Nghị quyết 54, trong đó, phân cấp quyền quyết định đầu tư và phân cấp về tổ chức duyệt ngân sách. Theo quy định, đến tháng 12/2020, TP HCM sẽ tiến hành sơ kết 3 năm và năm 2022, sẽ tổng kết 5 năm, sau đó sẽ kiến nghị để hoàn thiện hoặc đưa thành nội dung có tính luật pháp cao hơn.
Thực tế, Chủ tịch UBND TP đã phân cấp 55 đầu việc, trách nhiệm cấp thành phố cho quận huyện, sở, ngành để quyết định giải quyết công việc nhanh hơn.
Về tên gọi, cách đây 2 năm, Quốc hội đồng thuận cho Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, đã bàn bạc và thống nhất ở nơi nào không có HĐND vẫn gọi là UBND.
“Theo tôi, chúng ta nên theo cách gọi này. Bởi nếu riêng TP HCM lại đổi thành Uỷ ban hành chính thì sẽ không đồng bộ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dù Quốc hội cho phép Nghị quyết được thực hiện chính quyền đô thị không có chữ “thí điểm”, trách nhiệm của TP HCM, cả cấp uỷ và chính quyền sau 3 năm phải sơ kết và sau 5 năm tổng kết. Nếu có nội dung chưa phù hợp sẽ kiến nghị Quốc hội cho sửa đổi./.