Hưởng ứng ngày thế giới tôn vinh người hiến máu với thông điệp “Mỗi giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại” nhằm ghi nhận, biểu dương hành động nhân ái, nghĩa cử cao đẹp “hiến máu cứu người”, chiều 14/6 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2013. 100 cá nhân với tấm lòng nhân ái đã nhiều lần chia sẻ giọt máu đào để góp sức vào công tác điều trị cho những trường hợp bệnh nhân cần máu. Người nhiều nhất cũng đã hiến máu tới 51 lần.
100 cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu được tôn vinh năm 2013 |
Hiến máu để tiếp thêm nghị lực cho người bệnh
Trên gương mặt của 100 con người nhân ái đều rạng rỡ một nụ cười hạnh phúc, không phải vì ngày hôm nay họ được vinh danh về thành tích hiến máu của mình, mà bởi ý nghĩa cao đẹp của những giọt máu mà họ đã sẻ chia cho nhiều bệnh nhân kém may mắn. 100 người đến từ 3 miền của đất nước với số lần hiến máu khác nhau, nhưng đều chung một mục đích, đó là hiến máu để tiếp thêm nghị lực cho người bệnh.
Chia sẻ về lần đầu tiên hiến máu, nhiều người cho biết đó là một kỷ niệm khó quên. Anh Phạm Quốc Mạnh, tình nguyện viên hiến máu nhân đạo tỉnh Gia Lai, người đã tham gia hiến máu 25 lần, cho biết lần đầu tiên tham gia hiến máu năm 1997, vì quá lo lắng nên anh đã bị ngất. Tuy vậy nhưng việc đó không ảnh hưởng đến nhiệt huyết của anh trong phong trào hiến máu. Anh cảm thấy hạnh phúc khi biết được rằng mỗi giọt máu anh cho đi sẽ cứu sống nhiều người. Được nhìn thấy niềm vui của bệnh nhân, của người nhà bệnh nhân là động lực khiến anh không ngừng tham gia hiến máu.
Bản thân anh Mạnh cũng đã từng trải qua cảm giác thiếu máu trong một lần bị sốt xuất huyết nên anh rất hiểu hoàn cảnh của những bệnh nhân cần máu. Khi ấy, anh đã được truyền 4 bịch máu. Sự sống quay trở lại với anh, và anh quyết định sẽ mang những giọt máu của mình chia sẻ đến những bệnh nhân kém may mắn.
Với số lần hiến máu là 49 lần, bác Hồng Bạch Tuyết (50 tuổi) đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về lần đầu tiên hiến máu là khi người bạn rất thân của bác bị tai nạn giao thông thiếu máu trầm trọng. Bác liền ngay lập tức đi đăng kí hiến máu cứu bạn. Nhờ vậy, người bạn của bác đã qua khỏi và bác cảm thấy rất hạnh phúc. Từ đó bác đi hiến máu tình nguyện thêm nhiều lần.
Với mỗi giọt máu của mình, bác Tuyết chẳng mong gì hơn là sẽ cứu giúp thêm được nhiều người hơn nữa. Ở vào tuổi trung niên, khi sức khỏe không còn được như ngày còn trẻ, nhưng nhiệt huyết với phong trào hiến máu cứu người vẫn luôn sục sôi trong bác. Bác nguyện sẽ tiếp tục đi hiến máu và vận động người thân tham gia hiến máu.
Nghĩa cử đẹp lan rộng
Nhận thức được ý nghĩa cao cả của phong trào hiến máu nhân đạo, không chỉ nhiều lần tham gia hiến máu, không ít người còn vận động nhiều người cùng hiến máu.
Mai Thế Trung, hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghiệp đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, ngoài 14 lần trực tiếp hiến máu trong vòng hơn 2 năm, bạn đã vận động được 8000 người cùng tham gia hiến máu.
Lần đầu tiên tham gia hiến máu ở Lễ hội Xuân hồng 2010, Trung được các anh chị trong Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tuyên truyền, chia sẻ những trường hợp bệnh nhân cần máu. Kể từ đó, với nhóm máu O của mình, Trung cùng nhiều bạn bè tích cực tham gia các phong trào hiến máu.
Trung chia sẻ: “Khi tham gia Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, tôi có nhiều cơ hội được lên Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để thăm các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhi. Nhìn thấy các em bé, có em chỉ mấy tháng tuổi thôi, nhưng mang trong mình những căn bệnh như thế, trong tôi có một cảm giác nghẹn ngào. Mỗi giọt máu được sẻ chia, các em có thêm một cơ hội sống. Điều đó đã thôi thúc tôi hiến máu và vận động hiến máu cho đến bây giờ”.
Đối tượng vận động chủ yếu của Trung và những thành viên trong hội là thanh niên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng. Họ đều là những người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần tương thân tương ái. Trung cho biết, mỗi lần vận động được một người tham gia hiến máu, bạn có cảm giác vui sướng vì đã làm nhịp cầu nối các bạn sinh viên với việc điều trị cho người bệnh.
Đang ấp ủ tổ chức một ngày hội hiến máu cho tỉnh nhà, anh Phạm Phú Phước (30 tuổi), cán bộ Cục Hải quan tỉnh Bình Định cho biết, phong trào hiến máu nếu được nhân rộng sẽ vô cùng có ý nghĩa đối với mỗi bệnh nhân cần máu. Bản thân anh hiến máu từ năm 19 tuổi, đến nay đã được 23 lần. Ban đầu khi hiến máu, anh cũng có chút lo âu và bị tác động bởi nhiều ý kiến rằng cho máu sẽ khiến hồng cầu hoạt động quá sức. Nhưng anh đã tìm hiểu kỹ, khoa học cũng có chứng minh rằng việc này không ảnh hưởng, cứ đủ sức khỏe là có thể hiến máu được nên anh vẫn tiếp tục và vận động mọi người cùng tham gia.
Anh Phước cho biết: “Cứ mỗi lần xuống cơ sở là tôi lại kêu gọi mọi người hiến máu. Mỗi lần như vậy tôi cho lập bảng thống kê số lần hiến máu của đoàn viên và kịp thời tuyên dương những đoàn viên tích cực nhất. Tôi cũng tổ chức những buổi họp mặt và cả những sự kiện kết hợp cùng Hội Huyết học để vận động hiến máu tình nguyện. Đặc biệt từ năm 2008 tôi đã ấp ủ tạo nên chương trình, Ngày hội hiến máu cho tỉnh và dự định cuối năm nay sẽ khởi động chương trình ấy”.
Việc vận động người thân, bạn bè và mọi người trong xã hội cùng tham gia hiến máu của những người như Mai Thế Trung, anh Phạm Phú Phước... phần nào khiến cho nghĩa cử cao đẹp được nhân rộng hơn. Mỗi giọt máu được vận động, bệnh nhân sẽ có thêm một cơ hội sống, một cuộc đời sẽ ở lại./.