Thời gian gần đây, tại TP HCM liên tiếp xuất hiện nhiều vụ giết người hết sức man rợ gây xôn xao dư luận. Những kẻ gây án có tuổi đời từ 20 đến trên 40 tuổi và đều tự mình gây án với một thái độ hết sức thản nhiên. Chính điều này đã khiến dư luận đặt câu hỏi: tại sao cái ác lại dễ bộc phát đến như thế? Vì sao các vụ án giết người đang ngày càng gia tăng và rất dã man?

toi_pham_gia_tang_bekt.jpg
Những kẻ gây án đều có khiếm khuyết về nhân cách hoặc có vấn đề về rối loạn hành vi, nhận thức (Ảnh: N.Vũ)
Giết bạn học bằng cách cho uống thuốc ngủ rồi bỏ vào bao vứt xuống sông; giết chị dâu, chặt xác ra làm nhiều khúc bỏ vào bao tải vứt ra đường; giết vợ rồi suýt giết cả con chỉ vì ghen tuông; đâm chết bạn gái chỉ vì bị từ chối tình yêu;… Những thông tin này dường như liên tục được đưa lên các phương tiện truyền thông hàng ngày và có lượng người đọc, truy cập rất cao… Chưa bao giờ người dân lại cảm thấy bất an như hiện nay. Mạng sống của con người rất dễ bị tước đoạt, kể cả những lý do rất vu vơ không ai ngờ.

Bà Phạm Thị Tuyết, một người dân ở quận 3, bức xúc: “Tôi coi những thông tin đó tôi rất ghê sợ. Con người sao lại mất nhân tính như thế. Con người sống mà coi như con vật, muốn chặt, muốn chém, muốn làm sao thì làm. Những thành phần đó thì nên loại trừ ra khỏi xã hội”.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an Tp.HCM cũng đã thừa nhận về tình hình tội phạm đang gia tăng trên địa bàn thành phố: “Về tình hình trật tự an toàn xã hội thành phố, trên diện rộng là đối tượng nghiện đang tồn tại trên địa bàn nên khả năng gây án nhỏ lẻ gia tăng. Thời gian gần đây, khi xử lý các tin báo và tố giác tội phạm, công an thành phố giải quyết rất nhiều vụ báo là bị bắt cóc. Sau vụ Lương Vĩnh Đạt bị bạn học cho uống thuốc ngủ, cướp xe rồi quăng xuống sông Sài Gòn thì vụ nào cũng kêu là bắt cóc”.

Lý giải cho câu hỏi “vì sao có nhiều vụ giết người dã man xảy ra trong thời gian gần đây?”, các chuyên gia tâm lý và xã hội học tại thành phố cho rằng, những kẻ gây án này đều có khiếm khuyết về nhân cách hoặc có vấn đề về rối loạn hành vi, rối loạn về nhận thức. Có kẻ giết người chỉ vì muốn cướp chiếc xe máy. Có trường hợp bị tác động bởi ma túy nên đã có những hành động phạm tội vì không làm chủ được hành vi. Vụ án giết người chặt ra làm nhiều khúc do đối tượng Đặng Văn Tuấn ở quận 1 gây ra là một điển hình. Tuấn giết người khi đã sử dụng ma túy đá.

Điều đáng nói là khi xã hội càng phát triển, trong sự tác động của xã hội, con người thích hưởng thụ nhiều hơn, bộc lộ cái tôi nhiều hơn nhưng người Việt chúng ta lại thiếu kỹ năng sống. Nhiều người sống vô cảm, bàng quan trước xã hội nên dễ nảy sinh cái ác.

Thạc sĩ Bùi Hồng Quân - cán bộ Tuyên giáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM phân tích: “Sự bàng quan đối với các vấn nạn xã hội ngày càng tăng. Những vụ án trước tác động đến vụ án sau, nó giống như sự bắt chước về mặt xã hội và nó sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người phạm tội sau. Về giáo dục của gia đình cũng phải kể đến, giáo dục gia đình không trọn vẹn thì những đứa trẻ lớn lên sẽ có xu hướng sử dụng hành vi bạo lực”  .

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng do hàng ngày tiếp cận với nhiều bạo lực từ phim, ảnh và ngay cả các phương tiện truyền thông hiện nay cũng đề cập quá chi tiết về hành vi giết người đã ảnh hưởng đến không ít người trẻ tuổi. 

Chính vì vậy, để bảo vệ bản thân mình trước sự gia tăng cái ác, các chuyên gia cho rằng các bậc cha mẹ hãy dạy cho con mình khả năng tự vệ cũng như khả năng giúp đỡ và sẻ chia với người khác, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. Mỗi bạn trẻ hãy rèn cho mình một lối sống, một nhân cách đúng đắn để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng cần cải thiện để đủ sức răn đe những người chưa phạm tội hoặc có ý định phạm tội sẽ nhụt chí và không có ý định phạm tội. Bởi giáo dục và pháp luật là hai yếu tố song hành với nhau để tạo nên nền tảng an toàn cho xã hội./.