Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ngày 11/2, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đến ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ có Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định.

Theo đó, có 25/25 Thành viên Chính phủ đã cho ý kiến biểu quyết đối với Dự thảo Nghị định, trong đó có 18/25 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý thông qua, có 7 Thành viên Chính phủ có ý kiến bổ sung đề nghị tiếp thu, giải trình gồm Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ ý kiến thành viên Chính phủ, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Thanh tra Bộ giải trình cụ thể từng ý kiến. Trong đó, đa số tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ. Việc tiếp thu và giải trình được dựa trên nguyên tắc tiếp thu các ý kiến phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo không chồng chéo với các quy định pháp luật có liên quan, đồng bộ với Bộ Luật Hình sự, phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước, chức năng nhiệm vụ phát hiện và xử lý vi phạm của các lực lượng có liên quan.

Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định cũng đã nghiên cứu tiếp thu, xem xét bổ sung hành vi vận chuyển trái phép chất thải vào Việt Nam theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính, hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động dầu khí trên biển theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xem xét, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Kiểm ngư đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư và theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xem xét, bổ sung thẩm quyền của Bộ Công an đối với các hành vi có thể phát hiện trực tiếp trên đường, bên ngoài hàng rào doanh nghiệp hoặc phù hợp với nghiệp vụ Công an nhân dân để phát hiện vi phạm như: Hành vi không trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định; thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại ngoài địa bàn quy định; sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng thu gom, vận chuyển, đóng gói, bảo quản và lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại ngoài danh mục chất thải nguy hại quy định trong Giấy phép môi trường; Sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại không được đăng ký trong Giấy phép môi trường hoặc không có hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển theo quy định.

Bên cạnh đó, có những vấn đề Thành viên Chính phủ nêu ra được Tổ biên tập đề nghị giữ nguyên và có giải trình là các vấn đề trước đây trong quá trình xây dựng Nghị định đã có ý kiến, đã có trao đổi, làm việc và trả lời nhiều lần hoặc các kiến nghị không có căn cứ pháp lý để bổ sung.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng đã chỉnh sửa mang tính kỹ thuật đối với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các thành viên Chính phủ khác góp ý liên quan đến vấn đề kỹ thuật soạn thảo; rà soát, chỉnh sửa kỹ thuật tại các Điều 8, 16, 25, 26, 27, 29, 30, 31 dự thảo Nghị định theo hướng quy định để phù hợp với các quy định hiện hành và dễ dàng áp dụng trong thực tế và đảm bảo đồng bộ với Bộ Luật hình sự.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổ biên tập cần cung cấp thêm các thông tin có liên quan để xin ý kiến Ban soạn thảo về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau để cùng thống nhất, làm cơ sở cho việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Đồng thời, Tổng cục Môi trường và các nhóm chuyên môn phải tập trung cao độ để khẩn trương hoàn thiện giải trình ý kiến theo hướng bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ, dễ dàng áp dụng trong thực tế./.