Sau sự cố chiếc máy bay Boeing 777-200 này chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn, trên đường từ sân bay quốc tế Denver (bang Colorado) đến Honolulu (Hawaii) thì bị cháy động cơ chỉ khoảng mười phút sau khi cất cánh. May mắn máy bay sau đó đã hạ cánh an toàn, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn không ai bị thương. Sự việc đó khiến nhiều người ở trong nước lo lắng, băn khoăn không biết ở Việt Nam có khai thác dòng máy bay này hay không.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, trước đây có hãng hàng không của Việt Nam từng khai thác thương mại một số máy bay B777 của Boeing. Tuy nhiên, 4 máy bay loại này đã được thanh lý năm 2017-2018. Do đó, tới nay tại Việt Nam không còn hãng nào khai thác dòng máy bay này.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hiện trên thế giới cũng chưa nước nào cấm bay với máy bay B777 của hãng Boeing, nên tới nay phía Cục Hàng không Việt Nam cũng chưa đưa ra thông báo cấm bay đến/đi hay qua vùng với Việt Nam với dòng máy bay này.

Tuy nhiên, nhà sản xuất Boeing đã khuyến nghị tạm dừng khai thác toàn bộ máy bay B777 trên thế giới, nên không có máy bay này đến/đi hay bay qua không phận Việt Nam.

Với các hợp đồng thuê, mua máy bay mới, hiện chưa có hãng nào của Việt Nam ký hợp đồng với máy bay B777. Tuy nhiên, có 1 số hãng dự định mở đường bay Việt – Mỹ đã tỏ ra quan tâm tới dòng máy bay B777-X – máy bay cải tiến của Boeing đã được thử nghiệm thành công năm 2020.

B777-X được nhà sản xuất thiết kế để phục vụ các đường bay thẳng xuyên lục địa, với chặng bay dài mà không phải có điểm dừng để tiếp nhiên liệu.

Sau khi xảy ra sự cố cháy động cơ tại Mỹ, ngày 21/2, Tập đoàn Boeing đã khuyến nghị tạm dừng khai thác 128 chiếc máy bay B777 trên toàn thế giới cho đến khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đưa ra bản hướng dẫn kiểm tra. Hiện toàn bộ 128 máy bay B777 có trang bị động cơ Pratt &Whitney 4000 (PW4000) trên toàn thế giới đã tạm dừng hoạt động.

Trước đó, ngày 20/2, chiếc máy bay B777-200 của hãng hàng không United Airlines bất ngờ hỏng động cơ và bốc cháy khi mới cất cánh từ sân bay Denver đến Honolulu (Hawaii). Máy bay đã hạ cánh an toàn và không hành khách nào thương vong. Khi xảy ra sự cố, trên chuyến bay có 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn.

United Airlines là hãng hàng không Mỹ duy nhất khai thác máy bay Boeing dùng động cơ PW4000, ngoài ra một số hãng hàng không tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sử dụng dòng máy bay này.

Đầu năm 2019, dòng máy bay B737 Max của nhà sản xuất Boeing cũng gặp sự cố rơi, khiến nhiều hành khách thiệt mạng, sau đó toàn bộ dòng máy bay này đã bị cấm bay trên toàn cầu. Tới nay, B737 Max vẫn chưa được cấp phép cất cánh trở lại.

Được biết, trong năm 2020, Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ đã bị thiệt hại 12 tỷ USD do các sụ cố liên quan đến máy bay. Riêng việc hoãn bàn giao dòng máy bay thân rộng Boeing 777X sang cuối năm 2023 khiến hãng thiệt hại 6,5 tỉ USD. Boeing đã phải cắt giảm chi phí và khoảng 30.000 việc làm.

Hãng cũng đã chào bán trái phiếu trị giá 25 tỷ USD để duy trì khả năng thanh khoản nhằm vượt qua thời kỳ khó khăn./.