63,2% số tử vong do chưa tiêm vaccine
Tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, TP.HCM, từ giữa tháng 10, số ca nhập viện gia tăng. Trong đó cao điểm là 2 tuần trở lại đây tăng cao hơn, trung bình mỗi ngày nhập viện từ 70-100 ca và rải đều ở 3 tầng. Riêng tại tầng 3 (điều trị các ca nặng) do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách, tăng từ 10- 20 ca mỗi ngày.
Bác sĩ Hồ Hữu Đức- Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình cho biết, bệnh viện đã thực hiện thống kê về tỉ lệ tử vong cho thấy, độ tuổi trung bình của nhóm tử vong khá cao, ở mức trung bình 72 tuổi và là những người đa bệnh lý. Riêng từ ngày 1/11 đến ngày 28/11, trong số những người tử vong thì chỉ có 36,8% là có tiêm vaccine (1 mũi hoặc 2 mũi), còn lại là chưa tiêm vaccine. Lý do người nhà bệnh nhân đưa ra là do có nhiều bệnh lý nên chống chỉ định với tiêm vaccine hoặc nhiều người mang bệnh nền nên sợ không dám tiêm. Đặc biệt, có những người được địa phương gọi đến tiêm nhưng đã không tiêm, vì cho rằng người già chủ yếu ở nhà, không đi ra ngoài nên không tiêm, sợ tuổi cao sẽ biến chứng…
Cũng theo bác sĩ Đức, do bệnh viện 3 tầng có khu hồi sức bệnh nhân nặng và tỉ lệ bệnh nhân khu này chiếm đến 26% trong tổng số 3 tầng nên tỉ lệ bệnh nhân tử vong cao, chiếm 6,8% số ca nhập viện.
Hiện tại, bệnh viện này đang điều trị cho hơn 800 trường hợp, trong đó có 174 ca nặng được điều trị tại tầng 3, đa số là bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền. Vì vậy bác sĩ Đức cho rằng, cần phải có sự phòng hộ nhất định khi TP mở cửa, người trẻ trong gia đình hòa nhập cuộc sống, công việc bình thường thì phải đảm bảo 5K. Những người bệnh lý nền đang ổn định nhưng khi mắc COVID sẽ mất ổn định, bùng phát nhanh nên nguy cơ tử vong rất cao: “Khi có triệu chứng nên báo cho địa phương để người ta có thể tiến hành tới kiểm tra, tư vấn nên ở nhà theo dõi hay vào viện theo dõi. Tại vì chỉ cần yếu tố là người cao tuổi và có bệnh lý nền là đã trở thành yếu tố nguy cơ trung bình rồi. Do đó những đối tượng này nên tiếp cận sớm với lực lượng y tế”.
Lãnh đạo bệnh viện này cũng cho biết, công suất của tầng 3 là 220 giường hiện nay vẫn chưa hết công suất nhưng nhân viên y tế ít nên vẫn quá tải. Ngay cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM đã cử 14 bác sĩ và 16 điều dưỡng thuộc Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện quận Phú Nhuận hỗ trợ Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình.
Rà soát tiêm vaccine cho người bệnh nền
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhân lực chủ chốt của bệnh viện cũng đã được điều động đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền Tây, nhằm đánh chặn từ xa, giúp điều trị các ca trở nặng, hạn chế chuyển lên tuyến trên. Vì vậy Khoa Bệnh Nhiệt đới phải thực hiện huấn luyện nhanh cho nhân lực tăng cường để đảm trách công việc. Khu điều trị COVID-19 tại Khoa Bệnh Nhiệt đới hiện đang điều trị cho 90 bệnh nhân, trong đó có 70 bệnh nhân mức độ trung bình đến nặng, rất nặng.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng khác hơn so với trước đây, chủ yếu tập trung vào những người có bệnh nền như ung thư, suy thận mãn giai đoạn cuối. Đây là những đối tượng có nguy cơ nhưng tạm hoãn tiêm vaccine và không may mắc COVID, dẫn đến diễn tiến rất nặng. Bác sĩ Hùng cho rằng, nhiều người trước đó được chống chỉ định tiêm vaccine do bệnh lý không ổn định, có thể đối diện với những tai biến phụ của vaccine. Vấn đề này không chỉ ở việt Nam mà đó là tình hình chung của thế giới. Do đó, khi chưa được tiêm vaccine, những người này phải thực hiện 5K một cách tuyệt đối, kể cả trong gia đình, để tránh lây nhiễm. Địa phương cần phải theo dõi, rà soát những người qua giai đoạn chống chỉ định để tiêm vaccine ngay khi có thể: “Bây giờ phải rà soát lại tất cả những bệnh nhân dạng như thế này, ở các bệnh viện báo cáo, trong thời điểm này họ đã đủ tiêu chuẩn để tiêm vaccine được rồi thì rà soát những người như thế để lập danh sách tiêm cho những người yếu thế này”.
Riêng tại Bệnh viện dã chiến số 3 do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách, Giám đốc bệnh viện Trần Văn Khanh cho biết, hiện nay có khoảng 70-80 trường hợp đang được theo dõi hồi sức cấp cứu, phải thở oxy, thở HFNC, thở máy, trong đó khoảng 8-9% trường hợp nặng. Rất may những ngày qua, tỉ lệ tử vong còn thấp, 1-2 ngày có 1 ca tử vong, cũng tập trung vào nhóm người cao tuổi mang bệnh lý nền và chưa được tiêm vaccine. Trước áp lực gia tăng bệnh nhân nặng so với thời điểm sau khi TP mở cửa hồi tháng 10 vừa qua, bệnh viện sẽ bổ sung thêm nhân sự.
“Anh em cực hơn, bệnh viện đang thiếu người, cần phải tuyển thêm. Tại vì số tình nguyện viện giờ đã về hết rồi. Chúng tôi đã đề xuất Sở Y tế tăng cường thêm người, chứ không đủ người làm. Lực lượng chi viện của bệnh viện xuống Cà Mau với Kiên Giang thì cuối tuần này mới về để tăng cường”- ông Khanh nói.
Theo bản đồ cấp độ dịch TP.HCM vừa được công bố, có 11 quận huyện đạt vùng xanh (cấp 1), 11 địa phương vùng vàng (cấp 2) và toàn thành phố đã không còn quận huyện “vùng cam”. Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, số ca mắc mới, tử vong tăng và bệnh nhân nhập viện cao hơn xuất viện nhưng Thành phố đang kiểm soát được dịch. Người dân không hoang mang nhưng tránh chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K. Người dân cố gắng thay đổi những thói quen, sở thích của mình; cần đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm thói quen tụ tập, la cà; hạn chế ngồi khoảng cách gần... Bởi đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ca mắc mới cao, khiến nguy cơ tử vong cao./.