Trường hợp này là nữ, 44 tuổi, trú tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Sáng ngày 3/6, sau 30 phút được tiêm vaccine tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng, bệnh nhân có dấu hiệu mẩn ngứa 2 mi mắt, co quắp 2 tay, được các bác sỹ phát hiện, xử trí kịp thời tại khu vực theo dõi sau tiêm và khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Sau đó, người này nhanh chóng được chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.
Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, dần phục hồi sức khỏe. Tới chiều ngày 10/6, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà theo dõi tiếp.
Theo Thạc sĩ Trần Minh Hiếu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai, ngay sau khi ghi nhận có trường hợp sốc phản vệ, các đơn vị chức năng thuộc ngành y tế địa phương đã khẩn trương vào cuộc, mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Ngành y tế Lào Cai cũng đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine tiêm chủng mở rộng đối với trường hợp này. Các đánh giá dựa trên nguồn gốc vaccine, quy trình vận chuyển, bảo quản; thực hành tiêm chủng; thu dung cấp cứu cho kết quả đảm bảo theo quy định.
Nguyên nhân xảy ra tai biến sau tiêm chủng được xác định do phản ứng của cơ thể khi có tác nhân lạ (kháng nguyên trong vaccine) đi vào.
Ông Hiếu cho biết, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm. Vừa qua, tại Lào Cai đã tiến hành 3 đợt tiêm chủng cho gần 37.000 người. Trong quá trình tiêm ghi nhận gần 3.000 trường hợp phản ứng thông thường như đau, sưng tại vị trí tiêm; nôn, buồn nôn; tiêu chảy, đau bụng; sốt dưới 39 độ C; đau họng, chảy nước mũi; ớn lạnh; đau đầu; phát ban…
Phản ứng nặng (sốc phản vệ) mới ghi nhận 1 trường hợp như trên, chiếm tỷ lệ rất thấp so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao từ 10 – 20% (nếu tính cả người trên 65 tuổi). Để giảm thiểu tai biến sau tiêm, quy trình tiêm chủng, đặc biệt là sàng lọc, theo dõi sau tiêm đã được tập huấn kĩ càng cho đội ngũ y tế.
"Tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo miễn dịch cộng đồng, không có biện pháp nào khác để tạo miễn dịch chủ động cho con người ngoài vaccine, từ đó mới có thể phát triển kinh tế - xã hội ổn định trở lại. Vì thế người dân cần tiêm vaccine" - ông Trần Minh Hiếu nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay, tại Lào Cai đang triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại 13 điểm trên toàn tỉnh. Trước mắt tiêm cho 9 đối tượng ưu tiên, sau đó sẽ nghiên cứu để mở rộng điểm tiêm ra các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế, để tiêm đầy đủ cho toàn bộ người dân thuộc nhóm tuổi quy định trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay, vaccine đang sử dụng tại Lào Cai là vaccine AstraZeneca được cấp từ Bộ Y tế, do Catalent Anagni S.R.L – Italy sản xuất./.