Dân an tâm
Khoảng 2 tuần nay, từ khi Khu phố 3, Phường 5, quận Gò Vấp đăng ký triển khai xây dựng “Khu phố an toàn”, người dân sinh sống ở đây cảm thấy an tâm hơn với việc kiểm soát, phòng dịch COVID-19 của khu phố mình. Bởi 11 tuyến hẻm trong khu phố được thiết lập chốt chặn 2 đầu, luôn có lực lượng tình nguyện viên túc trực, bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt, tuyệt đối không cho người lạ, shipper vào khu dân cư.
Ông Nguyễn Quang Cường (56 tuổi) một người dân Khu phố 3, Phường 5, quận Gò Vấp cho biết, ban đầu cũng không ít người tỏ ra khó chịu vì sự bất tiện của các chốt kiểm soát này. Dần dà, mọi người quen dần và thấy hiệu quả nên hưởng ứng rất tích cực.
“Tôi cảm thấy an toàn được sống trong vùng xanh vì kiểm soát được người lạ ra vào, người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cho nên một phần nào cũng ngăn ngừa được dịch bệnh lây lan vào vùng đang còn an toàn. Bà con rất phấn khởi, tin tưởng thành phố sẽ dập được dịch sớm nhất nên rất tích cực hưởng ứng phong trào “bảo vệ vùng xanh”, ông Cường nói.
Phường 3, quận Gò Vấp từng là tâm dịch lớn và phức tạp nhất của TP.HCM, với nơi khởi phát là điểm nhóm truyền giáo Phục hưng. Khi đó, bản đồ COVID-19 của Phường 3 bao phủ một màu đỏ rực, 17/17 khu phố của phường chi chít những điểm phong tỏa, cách ly y tế, do có các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Sau hơn 2 tháng nỗ lực, quyết tâm dập dịch của cả hệ thống chính trị, hiện trên địa bàn phường này không còn khu phong tỏa, không phát sinh thêm các trường hợp F0, F1 trong cộng đồng. Hơn nơi nào hết, người dân ở đây thấu hiểu sự khó khăn, bất tiện và cả nguy hiểm do dịch bệnh gây ra. Người dân đã chủ động thiết lập những “thành trì”, quyết tâm bảo vệ những thành quả chống dịch của địa phương mà cụ thể là bảo vệ "vùng xanh", vùng không có ca nhiễm cộng đồng.
Ông Ngô Xuân Bình - Chủ tịch UBND Phường 3, quận Gò Vấp cho biết, thời gian qua, các lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” hoạt động rất hiệu quả, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân. Hiện phường vẫn đang nỗ lực triển khai tiêm chủng, tiến tới mục tiêu “xanh hóa” 17 khu phố trên bản đồ COVID-19.
“Hầu như các tuyến hẻm trên địa bàn phường đều đăng ký, gắn biển “bảo vệ vùng xanh”. Về lực lượng tình nguyện viên tham gia bảo vệ vùng không có dịch, đến nay có hơn 300 người tham gia, chưa tính tổ COVID-19 cộng đồng. Cơ bản các khu phố đều kết hợp bảo vệ vùng xanh với tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Hiện nay, chúng tôi đã tiêm chủng cho toàn bộ người dân của 29 tổ dân phố. Tinh thần là sẽ “xanh hóa” từ từ theo lịch tiêm chủng của quận Gò Vấp, đồng thời giữ vững, không để phát sinh các F0, F1 trong cộng đồng”, ông Bình cho biết thêm.
Dân hưởng ứng
Tại TP. Thủ Đức, hơn 600 mô hình “Khu phố/Tổ dân phố an toàn, không còn COVID-19” cũng được các phường rà soát, thiết lập được nhiều khu vực an toàn vững chắc, từng bước làm sạch các ổ dịch, khu phong tỏa trên địa bàn. Để chiến dịch “bảo vệ vùng xanh” đi vào thực chất, Công an TP. Thủ Đức đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu củng cố hoặc dỡ bỏ các chốt vùng xanh làm sơ sài, không có người trực gác, không có tác dụng như mục đích, yêu cầu đặt ra.
Đồng thời, UBND các phường cũng ban hành quy chế hoạt động, nội quy cụ thể tại các chốt, thành lập tổ tự quản và bố trí tình nguyện viên trực chốt. Song yếu tố cốt lõi vẫn là sự hưởng ứng, đồng sức, đồng lòng của người dân, biến chiến dịch trở thành phong trào thi đua rộng khắp.
Hưởng ứng chiến dịch xây dựng “thành trì” phòng vệ COVID-19, ngoài việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hàng ngàn khu trọ trên địa bàn đã đồng loạt miễn giảm giá thuê, chia sẻ khó khăn với người thuê trọ, nhắc nhở người thuê trọ thực hiện phòng chống dịch, góp phần cùng thành phố kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh. Tiêu biểu trong phong trào “nhà trọ 0 đồng” có bà Lê Thị Kim Chi ngụ phường An Phú, TP. Thủ Đức là chủ 40 phòng trọ. Trong tháng 6, tháng 7 bà Chi đã giảm 50% tiền thuê trọ và tiếp tục miễn tiền thuê trọ trong tháng 8, với tổng số tiền hơn 100.000.000 đồng.
Bà Lê Thị Kim Chi cho biết, để bảo vệ “vùng xanh” của khu phố, khu trọ của bà đã siết chặt nội quy. Ngoài tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng dịch, người dân sinh sống tại đây chỉ được ra ngoài 1 tuần 1 lần trong khung giờ 7h-9h để mua lương thực, thực phẩm: “Trong tháng 8 này, tôi giảm 100% tiền thuê trọ để cho mọi người yên tâm sinh sống trong thời gian bị mất việc. Tôi cũng thường xuyên hỗ trợ rau củ quả, mỗi tuần khoảng 3-4 lần cho các anh chị em công nhân có nguồn thực phẩm sinh sống qua ngày”.
Còn tại những điểm nóng COVID-19, TP Thủ Đức đã ban hành phương án riêng để đẩy lùi dịch bệnh, từng bước xây dựng vùng an toàn. Theo đó, giải pháp của thành phố trẻ này là thực hiện theo 5 bước: Tìm vùng nguy cơ cao (F0 chỉ điểm); Khoanh vùng - Xét nghiệm; Tìm F0 liên quan đưa điều trị; Tiêm ngừa; Thiết lập vùng an toàn, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, mọi nỗ lực để chiến thắng dịch bệnh vẫn là từ nhân dân: “Người dân sẽ là chủ thể chính cùng chung tay kiểm soát dịch bệnh ở cộng đồng của mình, trong một phạm vi hẹp, một tổ dân phố, một con hẻm. Người dân không những là cùng nhau bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà còn làm những việc hết sức quan trọng đó chính là giúp đỡ nhau. Người khá sẽ giúp người yếu hơn, người ít khó khăn sẽ giúp người khó khăn hơn để cùng nhau vượt qua giai đoạn hết sức thách thức này”.
Có thời điểm TP.HCM có hơn 4.000 điểm, khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế do có liên quan đến các ca mắc COVID-19. Tận dụng thời gian “vàng” - thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các “vùng đỏ” trên bản đồ dịch bệnh COVID-19 của TP đang xanh hóa và mở rộng dần. “Bảo vệ vùng xanh” đang là khẩu hiệu, là phong trào mà chính quyền và nhân dân TP.HCM chung sức, nỗ lực thực hiện để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./.