Tại buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 29/8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết tính đến hết 27/8 hầu hết các địa phương đã hoàn thành xong việc xét nghiệm tại các "vùng cam" và "vùng đỏ", còn ở những "vùng xanh", cận xanh và vàng vẫn chưa đạt tiến độ.

Trong 7 ngày qua, TP. HCM tích cực triển khai việc cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm và xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, tập trung ở các vùng nguy cơ cao và rất cao. Số ca phát hiện của thành phố thời gian qua bình quân mỗi ngày vào khoảng 4740 ca F0. TP đã lấy 1.677.154 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người dân ở những vùng nguy cơ cao với kết quả phát hiện 64.299 người dương tính với SARS-CoV-2 chiếm 3.8% số mẫu xét nghiệm.

Thời gian tới, đối với các vùng xanh, cận xanh và vàng đến hết 30/8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1, việc lấy mẫu đợt 2 sẽ hoàn thành trước ngày 6/9. Hai vùng đỏ và cam đến hết ngày 1/9 phải hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm đợt 2 và hướng dẫn rộng rãi để tăng tỉ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu. Các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải phân công nhân sự chịu trách nhiệm công tác thống kê, báo cáo công tác xét nghiệm; không giao cán bộ y tế làm công việc này để nhân viên y tế làm công tác chuyên môn.

Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin về túi thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Ông Tâm cho biết TP.HCM hiện có 3 túi thuốc điều trị Covid-19 cho F0. Túi A gồm 2 loại là thuốc hạ sốt và vitamin. Túi B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông. Túi C là thuốc Molnupiravir.

Khi phát hiện F0, tổ hoặc trạm y tế lưu động sẽ tiếp cận và phát túi A và B, túi A được sử dụng trong vòng 7 ngày. Túi B sử dụng trong điều kiện đặc biệt. Khi F0 có dấu hiệu khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, SpO2 dưới 95% thì F0 hoặc người nhà phải gọi cho nhân viên y tế. Trong khi chờ, F0 có thể dùng một liều đầu tiên đồng thời phải tiếp tục gọi nhân viên y tế và không được tự ý dùng tiếp. Túi C là thuốc Molnupiravir không phải phát cho tất cả F0.

“Đây là thuốc mà nhân viên y tế sẽ giữ trong túi và khi tiếp cận từng F0 sẽ khám và tìm hiểu sơ bộ về tình hình F0 theo đúng chỉ định điều kiện là F0 có triệu trứng và triệu chứng nhẹ mới được sử dụng. Còn nếu F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nặng sẽ không được sử dụng thuốc này. Đây là thuốc nằm trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế và phải được kiểm soát chặt chẽ vì có các chống chỉ định” - ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin./.