Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này đã có khoảng 700 tình nguyện viên các tôn giáo đã đến các bệnh viện điều trị COVID-19 để san sẻ gánh nặng cho đội ngũ y bác sĩ; phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Sự đóng góp của các tình nguyện viên tôn giáo đã để lại tình cảm sâu sắc trong lòng người bệnh, nhân viên y tế và cả người dân TP.HCM.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP.Thủ Đức, TP.HCM những ngày cao điểm tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Các thiết bị máy thở, hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) hoạt động hết công suất. Áp lực dồn lên vai các y bác sĩ….
Đội ngũ y bác sĩ liên tục điều trị cho bệnh nhân, không còn khái niệm về thời gian. Nhân viên y tế gồng gánh cho nhau, bác sĩ kiêm cả công việc điều dưỡng, điều dưỡng làm luôn công việc của hộ lý….Ngay thời điểm khó khăn nhất, các tình nguyện viên tôn giáo đã đến, cùng chung vai sát cánh với lực lượng y tế nỗ lực điều trị, chăm sóc cho người bệnh.
Ông Đ.T.H, ngoài 80 tuổi mắc COVID-19 cùng nhiều bệnh nền vừa được các y bác sĩ cứu chữa qua cơn nguy kịch, đau đớn trở mình để Sơ Maria Thoa đang lau toàn thân, thay tã, thay ga giường. Sơ Maria Thoa nhẹ nhàng cầm bàn tay đồi mồi của ông đang run rẩy luồn vào ống tay áo rồi mặc vào cho ông.
Hai tháng qua, dù làm việc trong môi trường lây nhiễm nhưng Sơ Thoa và hàng trăm tình nguyện viên tôn giáo đã không quản khó nhọc làm công việc chăm sóc các F0 nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP.Thủ Đức. Họ đút từng thìa cháo; xoa bóp chân tay cho người bệnh, dìu họ đi từng bước, rồi đổ bô chất thải cho các cụ già. Họ làm với tâm thế coi bệnh nhân như chính người thân ruột thịt của mình.
Ở trong các khu hồi sức bệnh nhân nặng khi mọi mối liên hệ trực tiếp với người nhà bị cắt đứt khiến tâm lý bệnh nhân hoảng loạn thì chính các tình nguyện viên đã vỗ về an ủi cho người bệnh nguôi ngoai. Có những bệnh nhân không may tử vong khi không có người thân bên cạnh thì các tình nguyện viên tôn giáo là người tham gia cầu nguyện cho vong linh người xấu số. Với các tu sĩ, đồng hành cùng các y bác sĩ giữa muôn vàn gian khó là cơ hội để được sống với ý nguyện yêu thương của mình, đó là phục vụ, là cống hiến, để lại tinh thần, lưu lại đạo nghĩa.
Hiện tại, một số tình nguyện viên hoàn thành thời gian đăng ký phục vụ tại các bệnh viện đã xin rút về để tiếp tục công việc thường ngày của mình, còn một số tình nguyện viên khác thu xếp được công việc riêng, xin gia hạn thời gian tham gia chống dịch, tiếp tục kề vai sát cánh để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19.
Trong buổi chia tay nhóm tình nguyện viên tôn giáo, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM đã nghẹn ngào xúc động bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm phục đối với những đóng góp, hy sinh của các tình nguyện viên trong cuộc chiến chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Hơn ai hết, các y bác sĩ thấu hiếu được những sự vất vả của các tình nguyện viên. Họ đã chịu khó, chịu khổ, không nề hà bất cứ công việc gì và rất đỗi khiêm nhường, luôn yêu thương chăm sóc, làm tất cả những gì có thể để giúp các bệnh nhân.
Bác sĩ Thức mong muốn giữ mãi những tình yêu thương gắn bó với các tình nguyện mà quãng thời gian qua đã đồng hành cùng bệnh viện trong trận chiến lịch sử chống đại dịch COVID-19. Ghi nhận công lao này, sau khi dịch qua đi, Thành phố mở cửa trở lại, Bênh viện Chợ Rẫy sẽ đón tiếp, khám sức khỏe tổng quát cho các tình nguyện viên đặc biệt này.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, thời gian qua, đã có nhiều đợt xuất quân tình nguyện với hàng trăm tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19. Đó là những đóng góp thầm lặng, cao cả, xông pha vào tuyến đầu phòng, chống dịch cùng với đội ngũ y, bác sĩ góp phần chung tay cho công tác điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
"Đây là một lực lượng rất đặc biệt, họ có tinh thần thiện nguyện, tinh thần dâng hiến, chia sẻ, an ủi cảm thông rất sâu sắc, đáp ứng được sự cần thiết của các bệnh viện, giúp cho các bệnh nhân giảm phần nào đau đớn, dù có những lúc không cứu được bệnh nhân nhưng cũng phần nào giảm bớt những khó khăn, cô đơn mà bệnh nhân phải chịu", bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.
Những người bệnh, các y bác sĩ và người dân TP.HCM sẽ luôn nhớ mãi ân tình mà các tình nguyện viên tôn giáo đã làm trong đại dịch COVID-19. Họ đã thể hiện tinh thần bác ái, tình yêu thương con người, phụng sự trong việc hỗ trợ các y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân, góp phần đem lại sự sống, niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường mới tươi đẹp hơn./.