Hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã thẩm định xong và công nhận hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” đối với 22 doanh nghiệp trong tổng số 33 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” theo tiêu chí mới. Trong số này, có 12 doanh nghiệp trong các khu cụm, công nghiệp và 10 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp, thu hút hơn 2.000 lao động “3 tại chỗ”.

Rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp “3 tại chỗ” trước đây đã để xảy ra hơn 600 công nhân dương tính với SARS- CoV-2, lần này phương án “3 tại chỗ” của tỉnh Tiền Giang được quy định rất nghiêm ngặt theo hướng siết chặt, đảm bản an toàn về phòng chống dịch Covid-19.

Hầu hết các doanh nghiệp được công nhận phương án “3 tại chỗ” đã thành lập các Tổ an toàn Covid để thực hiện công tác tuyên truyền, đôn đốc, giám sát, nhắc nhở và hướng dẫn người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tại khu vực nhà ăn cũng tổ chức bữa ăn đảm bảo giãn cách, bố trí theo đúng các nội dung trong phương án được phê duyệt. Người lao động sử dụng suất cơm riêng, thìa, đũa riêng, rửa tay, sát khuẩn trước khi ăn, tuân thủ nguyên tắc 5K.

Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, chủ trương của tỉnh vừa tạo điều kiện vừa quản lý chặt các doanh nghiệp “3 tại chỗ”; trong đó đặt vấn đề phòng chống dịch lên hàng đầu.

“Trước khi cấp chứng nhận, bắt buộc xét nghiệm 2 lần PCR 100% âm tính, sau đó ưu tiên tiêm ngừa luôn. Mình bắt buộc các doanh nghiệp gắn camera, siết chặt hơn, danh sách công nhân đã đăng ký có tên tuổi cụ thể, doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Công nhân vào thì xét nghiệm PCR 2 lần và ở trong đó luôn không được về. “3 tại chỗ” đúng quy định, giai đoạn này để phòng chống dịch phải tăng cường, khống chế được dịch rồi thì kinh tế mới phát triển”- ông Nguyễn Đình Thông cho biết./.