Ông Trương Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 tỷ đồng, tổ chức lựa chọn xong nhà tư vấn đo đạc, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tư vấn điều tra, khảo sát, lập phương án thi công tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
“Tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ, từ thành lập Ban giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn lực. Về mặt thủ tục đã thông qua HĐND, tỉnh uỷ quyền cho HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư. Phần còn lại là của TP.HCM bởi Thủ tướng Chính phủ đã giao thành phố là đại diện cho hai tỉnh quyết định đầu tư dự án này”, ông Trương Văn Hùng nói.
Theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, do UBND TP.HCM chưa trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12/2020 nên dự án phải chuyển tiếp sang năm 2021. Để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, các cơ quan chuyên môn của hai địa phương đang hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ theo quy định mới…
Cụ thể, Tây Ninh sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của TP.HCM, các bộ, ngành Trung ương thực hiện thủ tục, hồ sơ theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Dự kiến năm 2021 sẽ hoàn tất thủ tục hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và tổ chức lập khả thi dự án; bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2022 để có thể khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành, đưa dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2025.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) có chiều dài 53 km, điểm đầu giao với đường Vành đai 3 của TP.HCM theo quy hoạch, điểm cuối tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe hạn chế với tổng chiều rộng nền đường là 17m.
Về giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất của dự án khoảng 432ha. Trong đó, TP.HCM khoảng 209ha, tỉnh Tây Ninh 223ha, được thực hiện bằng các dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự kiến (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) khoảng 23 năm 8 tháng sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác. Dự kiến tổng vốn đầu tư 13.613 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở GTVT Tây Ninh còn bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam; đề xuất chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án đường Hồ Chí Minh. Đồng thời, sẽ sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng cạn ICD Mộc Bài và ICD Thạnh Phước./