Như VOV.VN đã đề cập, cơn sốt nhà đất ở các tỉnh Tây Nguyên đang phá hỏng các quy hoạch đô thị, bạt núi, san đồi, nắn suối, băm nát cảnh quan thiên nhiên. Càng đáng lo ngại hơn là nhiều diện tích rừng tự nhiên cũng bị chặt hạ, biến thành đất farm (bất động sản trang trại). Đất rừng thậm chí trở thành lãnh địa của những đường dây phức tạp, vừa phá, vừa chiếm, vừa bán, gây mất an ninh trật tự và để lại hậu quả lớn.
Giá đất rừng “nhảy múa”
Những lô đất rừng ven hồ thủy lợi Ea Rớt, vùng sâu giáp ranh huyện Ea Kar và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk suốt mấy tháng nay đã trở thành bất động sản được giới buôn bán bất động sản săn lùng. Thông tin về một nút giao thông nối phần đất phía bắc của hồ với Cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang càng khiến cho giá đất ở đây “nhảy múa”. Không ít lô có view đẹp, đã được trả giá đến vài tỷ đồng/ha. Những lô có vị trí kém hơn, vài năm trước chỉ dưới 100 triệu đồng/ha thì nay đã chạm ngưỡng nửa tỷ đồng cho mỗi ha, bất chấp những rủi ro pháp lý vì nguồn gốc đất lâm nghiệp.
Mua lô đất rừng gần hồ Ea Rớt hơn 20ha, một người phụ nữ ở huyện Ea Kar đang rao bán với giá 8 tỷ đồng cho biết: “mình mua lô đất này từ tháng 10 năm ngoái. Đất chưa có bìa đỏ, ở đây chưa ai có bìa cả. Trước nó là đất rừng, họ phát đốt hết đi rồi trồng điều, trồng sắn lên”.
Không liên quan đến cao tốc, dự án hay view, đất rừng ở huyện vùng biên Ea Súp cũng đang sốt hừng hực. Là huyện chảo lửa, rốn lũ của Đắk Lắk, điều kiện canh tác khó khăn, nhưng vẫn có dòng tiền từ các tỉnh, thành phố, tới Ea Súp giao dịch những lô đất vài chục đến vài trăm ha.
Một người dân ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp cho biết, giá đất rừng ở đây đã tăng gấp đôi, gấp ba so với mấy năm trước: “Bình quân là phải 150-200 triệu/ha, đất lâm trường, công ty ấy. Đất đấy thì không thể yên tâm vì không có một giấy tờ, chứng cứ gì cả, cứ mua đại thôi”.
Gia tăng phá rừng, chiếm đất và giao dịch bất động sản phi pháp
Diện tích rộng, giá thấp, mua bán đơn giản bằng những tờ giấy viết tay và những cái “chỉ ngón tay” để xác định ranh giới, đã khiến cho Ea Súp hiện là một trong những điểm nóng về hoạt động bất động sản bất hợp pháp tại Đắk Lắk. Trên địa bàn huyện cũng vừa phát hiện vụ phá rừng có quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Tây Nguyên với gần 400ha rừng bị phá, lấn chiếm. Thậm chí, có dấu hiệu cho thấy tại Ea Súp có những đầu nậu thu gom đất rừng với số lượng lớn để buôn bán phi pháp. Ông Ngô Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, huyện đang tổ chức đấu tranh, truy quét và ngăn chặn loại tội phạm mới, rất nguy hiểm này.
“Không chỉ có hành vi xâm lấn đất trái phép, mà còn diễn ra việc mua bán, lừa đảo. Những người dân từ nơi khác đến mà chưa biết nguồn gốc đất thế nào thì các đối tượng vẫn tổ chức sang nhượng và cam kết sẽ làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại các tiểu khu đất lâm nghiệp bị lấn chiếm”, ông Thắng khẳng định.
Cùng với Đắk Lắk, sốt đất cũng đang kéo theo tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tràn lan tại các tỉnh Tây Nguyên. Tại xã Nậm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, ông Phạm Quang Nam, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đang phối hợp với các ban ngành của huyện, các cơ quan chuyên môn, công an huyện, hạt kiểm lâm, tiến hành các đề án, phương án kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc san lấp trên diện tích đất rừng để tiến hành kinh doanh, buôn bán, sang nhượng, chuyển nhượng đất trái phép”.
Trong số các tỉnh Tây Nguyên, đất rừng ở tỉnh Lâm Đồng có giá trị cao nhất, nhất là đất rừng ở thành phố Đà Lạt. Chỉ trong vài ba năm, nhiều vị trí đất rừng ở thành phố giá đất đã tăng gấp cả chục lần. Ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, do nhu cầu về bất động sản và giá đất tăng cao, nhiều người bất chấp luật pháp, thực hiện các hành vi lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp để bán thu lợi bất chính.
“Tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp, việc này gây ra nhiều nhức nhối, bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua. Chỉ tính trong quý 1/2022, tỉnh xảy ra 57 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, diện tích 19,2ha. So với cùng kỳ năm 2021 thì rất buồn vì số vụ tăng đến 78% và diện tích là tăng 85%", ông Tuyên thông tin.
Đáng chú ý là đất rừng bị lấn chiếm trái phép và các giao dịch mua bán, sang nhượng diễn ra công khai, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhưng tiến độ xử lý của các địa phương lại rất chậm. Ở một vài nơi, dù các ngành chức năng đánh tiếng sẽ vào cuộc xử lý mạnh tay, nhưng các hành vi phá - chiếm, giao dịch kiểu lệ làng, vẫn diễn ra với tính chất, quy mô rất phức tạp.
Thực trạng này cũng cho thấy công tác quản lý ở các tỉnh có sự yếu kém hoặc thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng./.