“Trước Tết thì nước rất trong, chúng tôi có thể tắm được. Tuy nhiên, từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, dòng nước này đã chuyển thành màu đen xì và màu hồng rất bẩn, bốc mùi hôi thối khiến gia đình tôi không thể hít thở nổi, cả xóm không thể ngủ được”- ông Đ. X. H, người dân ở phường Vạn An (TP Bắc Ninh) cho biết.

Bà N.T.M, một người dân khác sinh sống tại phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) chia sẻ: “Thời điểm cuối năm ngoái thì nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê cũng như sông Cầu đã trong và sạch như những năm về trước. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, nước sông lại chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc…đây là do các doanh nghiệp sản xuất giấy lại xả trộm nguồn nguồn nước thải ra sông”.

Theo người dân, hiện nay dọc bờ sông Ngũ Huyện Khê tại khu vực cụm công nghiệp Phong Khê và Phú Lâm đã không còn các đường ống cỡ lớn đổ thẳng nước xả thải ra sông. Thế nhưng, vẫn còn nhiều đường nước thải đen ngòm chảy ra sông từ các khu dân cư của làng nghề giấy.

Trước thực trạng trên, trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Hà - Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, TP Bắc Ninh cho biết, thực hiện các kết luận thông báo của tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua trên địa bàn phường Phong Khê đã có những bước chuyển nhất định về môi trường làng nghề. Tuy nhiên, thời gian gần đây có tình trạng xuất hiện một số cơ sở sản xuất kinh doanh giấy trên địa bàn phường lại xả trộm chất thải nguy hại ra môi trường.

“UBND phường Phong Khê đã báo cáo lên thành phố để có phương án xử lý kịp thời. Đồng thời thành lập tổ kiểm tra đột xuất tại các nhà máy sản xuất và lấy mẫu nước thải, nếu phát hiện trường hợp nào có tình trạng đổ chất thải nguy hại ra môi trường không qua xử lý, thì chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, đối với tất cả các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn phường, thành phố đã chỉ đạo tuyên truyền trên loa phát thanh và thường xuyên họp tổ dân phố tự quản để tuyên truyền đến tất cả các doanh nghiệp, người dân biết đẩy đủ các quy định về quy trình xử lý chất thải nguy hại công nghiệp môi trường nước, không khí…

Làng nghề giấy Phong Khê có từ hàng trăm năm và được khôi phục, phát triển mạnh từ năm 1994 lại đây. Hiện nay, toàn phường Phong Khê có khoảng 212 cơ sở sản xuất giấy các loại, gồm 254 dây chuyền sản xuất, công suất khoảng 250.000 tấn giấy/năm, doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng, đời sống nhân dân thực sự khá giả.

Những năm gần đây, thành phố quy hoạch và xây dựng 2 cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II, nhằm đưa các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư ra hoạt động tập trung tại cụm công nghiệp, tránh ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, chất thải, khí thải, nước thải cho người dân sinh sống tại đây.

Nhiều cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ hiện đại, tăng năng suất, giảm ô nhiễm. Tuy tiếng ồn, khói bụi, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp đã giảm, nhưng ô nhiễm nguồn nước vẫn thực sự đáng báo động. Cơ bản nước thải ở các cơ sở vẫn xả trực tiếp ra các kênh mương, cống rãnh, ao hồ, sông Ngũ Huyện Khê, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Tỉnh Bắc Ninh đã nghiêm cấm và xử phạt nặng nhiều doanh nghiệp, cơ sở xuất giấy có hành vi xả thải thẳng ra môi trường. Đồng thời quy định tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn 100%. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp, công ty sản xuất giấy chấp hành tốt quy định pháp luật bảo vệ môi trường thì hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận kinh tế mà cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý./.