Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP tiếp nhận từ 1.200-1.300 người đến khám ngoại trú, chủ yếu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, tầm soát ung thư. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được thành lập trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã ngưng hoạt động từ ngày 14/3, việc bàn giao sẽ được thực hiện đến hết ngày 30/3.
“Sau ngày 30/3, các hoạt động chuyển đổi công năng từ điều trị COVID-19 sang hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân ung thư sẽ được tiến hành ráo riết, dự kiến xong trước 30/4. Sau ngày 30/4, bệnh viện mở hết toàn bộ khu hồi sức cho bệnh nhân ung thư”-Bà Mai nói.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại TP.HCM. Đây là bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước, được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng trong hệ thống điều trị COVID-19, do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn trên cơ sở phối hợp với các bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM và lực lượng y bác sĩ hỗ trợ chống dịch. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho hơn 700 bệnh nhân.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi ngừng nhận bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngành y tế TP vẫn duy trì bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và thành phố Thủ Đức để tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc COVID-19 trên địa bàn. Các Bệnh viện Dã chiến số 13, 14, 16, đa tầng Tân Bình, Bệnh viện 175, Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị các ca bệnh nặng./.