Gần 7 tháng nay, anh Hồ Văn Toàn (SN 1977) quê tại thành phố Hải Dương chưa về thăm gia đình. Anh cùng khoảng 700 lao động ngoại tỉnh tự nguyện ở lại chung cư do Công ty than Nam Mẫu (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bố trí. Tại khu chung cư này, hoạt động của công nhân được khép kín với đầy đủ các dịch vụ từ hậu cần tới giải trí, thể dục thể thao. Người ra vào chung cư được kiểm soát bằng hệ thống quét vân tay và đo thân nhiệt tự động...

Dù xa gia đình nhưng anh Hồ Văn Toàn vẫn thấy thật may mắn vì được sống và làm việc trong môi trường an toàn: "Chúng tôi thực hiện công tác 5K trong mọi tình huống từ sinh hoạt tới làm việc. Xa nhà thì chúng tôi cũng được sự động viên của công ty, có đoàn thăm hỏi và tặng quà về cả vật chất, tinh thần. Và so với nhiều địa phương khác tôi vẫn thấy may mắn vì có thu nhập ổn định để nuôi gia đình".

Chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, từ khoảng cuối tháng 10, khi tất cả công nhân được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, công ty sẽ tổ chức phương tiện luân phiên đưa đón 700 công nhân về quê, thăm gia đình trong điều kiện các hoạt động đi lại đã được nới lỏng.

Ông Lê Mạnh Thường, Phó Giám đốc Công ty than Nam Mẫu cho biết: "Chúng tôi xây dựng phương án hàng tuần sẽ có xe đưa đón công nhân từ chung cư về tận nhà ở Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên... để công nhân không phải đi xe máy, hay xe khách, nhằm hạn chế những tiếp xúc không mong muốn với những nguy cơ bên ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là đưa đón công nhân trên những cung đường xanh, về nơi ở xanh và khu làm việc xanh để đảm bảo an toàn vừa giải tỏa tâm lý cho công nhân vừa động viên họ tiếp tục sản xuất".

Ngoài ngành than, các ngành kinh tế trọng điểm khác của Quảng Ninh như điện, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ... cũng xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Các kịch bản này đều ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành để giảm việc tiếp xúc trực tiếp; hoạt động tại các phân xưởng vẫn tuân thủ quy định 5K của ngành Y tế từ khâu ra vào tới việc ăn ca, sinh hoạt nội bộ tại công ty.

Ông Phùng Kỳ Luân, Tổng giám đốc Công ty Tonly và Pully Việt Nam, tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên nói: "Chúng tôi tiếp tục duy trì phương án như trước đây đã được thị xã phê duyệt. Nhưng trong trạng thái mới chúng tôi khuyến khích, động viên công nhân ý thức về công tác phòng chống dịch bệnh ở nơi sinh sống cũng như công ty. Hiện nay, các chuyên gia và công nhân cũng đã được tiêm vaccine nên chúng tôi cũng yên tâm khi bước vào thời kỳ kinh doanh chính trong năm. Chúng tôi rất cảm ơn tỉnh Quảng Ninh đã luôn giúp đỡ cho doanh nghiệp hết sức nhiệt tình và làm tốt công tác chống dịch trong thời gian qua".

Nhờ chủ động từ xa, từ sớm với những phương án cụ thể, Quảng Ninh đã vượt qua 4 làn sóng Covid-19 và duy trì địa bàn an toàn trong nhiều tháng nay và là một trong số ít các địa phương có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng những kịch bản, biện pháp phát triển kinh tế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp ngành than, ngành điện, công nghiệp chế biến chế tạo. Và cũng phải thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược và cũng phải đẩy nhanh các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách. Trong thời gian tới cũng phải có những giải pháp cụ thể để đảm bảo tăng trưởng 2 con số và thu ngân sách trên địa bàn đạt 51.000 tỷ đồng".

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ với mục tiêu bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội... việc mỗi ngành công nghiệp - dịch vụ của Quảng Ninh đều nỗ lực giúp địa phương làm tốt nhiệm vụ là một trong 3 tỉnh, thành phố thuộc “vùng lõi” của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Khẳng định rõ hơn một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của địa phương nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo./.