Sau khi nghe Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tất cả các trường hợp nhiễm vừa qua, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng, bao vây toàn bộ công ty để xử lý.
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 30/4 đến ngày 27/5 đã triển khai giám sát dựa vào xét nghiệm các nhóm, khu vực có nguy cơ cao như: chợ, trung tâm thương mại, cơ sở vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú công nhân, khu dân cư, khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo… đã lấy hơn 64.000 mẫu và tất cả đều âm tính.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, lo lắng hiện nay là chỉ quản lý được những trường hợp có nguồn gốc rõ ràng còn không biết có những trường hợp nào khác hay không: “Tại các khu công nghiệp hiện nay trước mắt là quản lý được những ca có nguồn gốc rõ thôi. Còn không biết những trường hợp khác có hay không để hạn chế lây lan trong nhóm khu công nghiệp. Hiện nay, đã tầm soát trên diện rộng của các khu công nghiệp, chủ yếu tập trung vào các ký túc xá, thứ hai là các khu công nghiệp lắp ráp có môi trường không khí lạnh”.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TP.HCM vẫn phải xét nghiệm tầm soát, phải có trọng điểm, tốt nhất là triển khai khai báo y tế toàn dân. Phó Thủ tướng gợi ý, TP.HCM lấy toàn bộ dữ liệu người dân, phân nhóm ở các khu vực nguy hiểm, tiến hành gọi điện bằng robot để ai có triệu chứng thì chủ động đến xét nghiệm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Thông tin– Truyền thông phối hợp với TP để tổ chức thực hiện, cố gắng tránh tình trạng trùng lặp làm người dân khó chịu. Ngoài ra, TP.HCM cần có giải pháp đánh động trước ở trong khu công nghiệp, ngay lúc này phải siết rất chặt để không bị động. Phó Thủ tướng cũng gợi ý, TP.HCM có thể đưa một nhóm nhỏ công nhân ở một doanh nghiệp để thử làm công tác tự lấy mẫu dịch.
Về gợi ý đưa vào robot tự động gọi điện cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, đây là biện pháp rất cần thiết và TP hoàn toàn chấp hành chỉ đạo, sẽ phối hợp với các cơ quan trung ương để triển khai. Ông Đức đề xuất, kết quả của những cuộc gọi sẽ được cập nhật mỗi ngày để sàng lọc, đảm bảo thông suốt thông tin. Hiện, TP đang triển khai hoàn thiện danh sách các công nhân ở các khu chế xuất - khu công nghiệp với ít nhất là hai thông tin là số điện thoại và địa chỉ đang cư trú.
TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động, 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Đây được xem là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, chỉ sau bệnh viện.
Ngày mai (3/6), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng sẽ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp và làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp./.