Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 22.000 ca mắc trong cộng đồng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh: phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, số ca mắc mới tăng nhanh liên tục, tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 không”, siết chặt quản lý từng địa bàn, các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong” ở các khu phong tỏa, cách ly. Các công ty, doanh nghiệp được phép hoạt động phải đảm bảo phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”. Bên cạnh đó, tỉnh đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả các mặt hàng, đảm bảo an sinh xã hội…cho người dân.

Nhận định tình hình, trong 2 tuần tới có thể sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị: "Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ lực lượng điều trị trong thiết bị máy móc cho Bình Dương. Với kịch bản các ca nhiễm lên tới 30.000 ca, như vậy cần có khoảng 10.000 giường  tầng 2 và 1.500 - 2.000 giường ở tầng 3. Đây là số lượng lớn cần nguồn nhân lực giúp cho Bình Dương. Đối với Bệnh viện dã chiến 5B, Quân khu 7 hỗ trợ xây dựng tại Bình Dương, Hiện tỉnh đang cần khẩn cấp hỗ trợ tỉnh nâng lên tháp điều trị tầng 2".

Liên quan đến công tác điều trị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ,đang hỗ trợ chuyên môn tại tỉnh Bình Dương cho biết, đội ngũ y bác sĩ của tỉnh rất quyết tâm trong công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và có nhiều cách làm sáng tạo.

Điển hình, trong một số khu tiếp nhận F0 không triệu chứng thì  họ  tự hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, giám sát lẫn nhau nếu có triệu chứng. Tuy nhiên, Bình Dương phải khẩn trương trang bị hệ thống oxy tập trung để dùng được máy thở oxy dòng cao HFNC… cho tầng 2 điều trị bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ và tập trung xây dựng 200 giường hồi sức cấp cứu tốt để tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở tầng 3.

"Tôi đề nghị đưa hồi sức cấp cứu dồn vào 1 nơi để chưa ở tầng 3 . các cán bộ y bác sỹ tỉnh Bình Dương rất quyết tâm tuy nhiên phương pháp còn vướng nhiều chỗ, ví dụ hết thuốc tiêm bởi cứ đấu thầu thủ tục khó khăn trong khi đó hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể", ông Hiếu nói.

Đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương trong công tác phòng chống dịch và điều trị các bệnh nhân nhiễm covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nhanh những ca mắc mới. Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nặng; chăm sóc về sức khỏe và tinh thần, động viên những bệnh nhân mắc Covid-19 không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện bệnh nhẹ đạt hiệu quả trong công tác điều trị.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tăng cường xét nghiệm tại những nơi có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện các ca nhiễm, tách ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm giãn các xã hội theo Chỉ thị 16 và kiểm soát chặt nhằm từng bước mở rộng vùng xanh, vùng an toàn./.