Tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần khẩn trương xác định những khu vực an toàn, nhưng nơi có nguy cơ thấp để tăng cường xét nghiệm sàng lọc. Ngược lại với các điểm có nguy cơ cao thì nâng mức kiểm soát dịch và khoanh gọn ở quy mô nhỏ.
Từ điểm cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, từ 6h sáng 17/6, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 24 trường hợp mắc mới, đều ở khu vực phong tỏa. Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM không phát hiện ca mắc mới và tại BV Đại học Y dược đã tiến hành xét nghiệm 100% nhân viên, các y bác sĩ và các bệnh nhân và cũng không phát hiện ca mắc. Trường hợp duy nhất tại BV Đại học Y dược là ca điều dưỡng trưởng ở Khoa Nội thần kinh phát hiện ngày 15/6.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại các ổ dịch này có thể đánh giá việc vaccine đã khiến quy mô lây lan dịch bệnh giảm so với các ổ dịch khác. Bên cạnh đó, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thành lập lại các đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 15.
“Thành phố xác định sẽ phong tỏa chặt và siết chặt lại quy mô. Ngày 17/6, có nhiều điểm đã hết phong tỏa, song cũng phát sinh nhiều điểm mới. Có 7 đơn vị trong khu công nghiệp có ca mắc. Nhưng phần lớn chỉ có 1-2 ca, toàn bộ công nhân đã được xét nghiệm và chưa phát hiện lây lan. Có 2 đơn vị phát hiện ca mắc có điểm chung là đơn vị chế biến hải sản, làm việc trong môi trường lạnh và không gian kín. Một vài địa phương F1 đã thành F0; có F0 ở Ủy ban cấp phường và cấp quận do lây nhiễm từ gia đình. Tại các điểm này, tạm ngưng dịch vụ không cấp bách, ngừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến”, ông Đức cho biết.
Về vaccine, TP.HCM vừa tiếp nhận 836.000 liều vaccine COVID-19. Thành phố đã lên phương án và xác định đối tượng ưu tiên tiêm, đồng thời đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 200.000 người/ngày. Với năng lực xét nghiệm, đến nay, TP.HCM đã tăng khả năng lên 30.000 mẫu/ngày.
Đánh giá thêm diễn biến dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, một số chuỗi lây nhiễm vẫn còn xuất hiện ca mắc ngoài cộng đồng. Về mặt dịch tễ, các chuỗi này vẫn nằm trong cơ hội có thể kiểm soát được. Trong đó, với các KCN, đã bắt đầu có ca mắc tại các doanh nghiệp có dây truyền sản xuất đông công nhân, đặc biệt là cơ sở sản xuất thuỷ hải sản. Bộ Y tế đã điều các chuyên gia vào kiểm tra các khu KCN để hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Bộ Y tế tổ chức hướng dẫn kiểm tra, đánh giá và đề xuất với một số nhà máy có điều kiện thì tổ chức cho công nhân ăn ở ngay trong KCN, nhà máy, xí nghiệp.
“TP.HCM đến nay đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 và phải chuẩn bị phương án ứng phó khi có 5.000 ca mắc, áp dụng kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang. Chúng tôi đề xuất TP.HCM dự trù trang thiết bị để sẵn sàng cấp cứu, hồi sức các bệnh nhân nặng trong trường hợp số bệnh nhân tăng cao”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM phải tăng cường xác định các ổ dịch và các nguồn lây, nhằm khoanh chặt ở quy mô nhỏ, “phấn đấu không để TP.HCM kéo dài giãn cách trên diện rộng”. “Mục đích của giãn cách là ngắt nguồn lây, làm chậm chuỗi lây nhiễm và tìm ra ổ dịch và khoanh gọn. Do vậy, nhưng khu vực đã khoanh phải thực hiện thật nghiêm phòng, chống dịch. Thực hiện chặt chẽ quy định không tập trung đông người, đặc biệt, kiểm soát chặt tại những khu vực có ổ dịch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, với dân số 10 triệu người và tập trung nhiều KCN, TP.HCM phải tăng cường năng lực xét nghiệm, đồng thời điều phối các đơn vị xét nghiệm để tránh tình trạng xét nghiệm chậm như xảy ra tại một số nơi.
Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế thực hiện hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm, tự cách ly tại nhà, đảm bảo an toàn cách ly và không ảnh hưởng tới quyền lợi, đời sống cá nhân của người dân. Với các KCN, phải đảm bảo truy vết, xác định ca mắc sau 3 ngày với các bài học kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang và Bắc Ninh./.