Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ phải sử dụng nguồn nước thô dự phòng tại đập dâng An Trạch. Thành phố Đà Nẵng đã đề nghị tỉnh Quảng Nam và các công ty thủy điện đầu nguồn điều tiết xả nước, chỉnh trị dòng chảy đưa nước về sông Cầu Đỏ đẩy mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Nhiều năm nay, cứ vào đầu mùa hè, những khu vực cuối nguồn nước ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng thường xảy ra tình trạng hụt nước hoặc nước chảy rất yếu vào giờ cao điểm. Để có nước sinh hoạt, bà con phải mua thêm máy bơm lắp trực tiếp vào đường ống nước máy thủy cục để bơm hút trợ lực mới có nước dùng. Bà Lê Thị Thảo ở tổ 66, đường Bùi Huy Bích, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà phàn nàn, tình trạng nước yếu diễn ra từ nhiều năm nay, hàng tháng bà con phải tốn thêm tiền điện bơm nước. Ai không có máy bơm, phải thức khuya, dậy sớm mới lấy được nước dùng dần. “Bắt đầu 6 giờ sáng, trong nhà là không có nước, phải dậy sớm mới có nước mới có dùng, vào giờ họ sinh hoạt nhiều là không có nước. Nhà nào cũng phải lắp thêm máy bơm, phải hút nước mới lên chứ yếu quá nước không lên được.”

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nước sông Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng bị nhiễm mặn. Trong gần 1 tháng qua, tại cửa lấy nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, nước bị nhiễm mặn nặng. Độ mặn đo được có ngày lên 2000mg/l, không sử dụng được. Từ giữa tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp triển khai các giải pháp tăng lượng nước cấp về khu vực hạ du sông Vu Gia. Hai địa phương thống nhất triển khai đắp đập tạm chặn dòng trên sông Quảng Huế, đoạn qua xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, đưa nguồn nước về sông Cầu Đỏ, khắc phục tình trạng nhiễm mặn. Đến nay, việc đắp đập chặn dòng trên sông Quảng Huế đã hoàn thành.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra cho thấy, việc đắp đập tạm này đã tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia, góp phần tăng lượng nước cấp cho các công trình khai thác nước, trạm bơm thủy lợi của huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và giảm mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng.

“Do sự biến đổi khí hậu, nên sự xâm nhập mặn tại Đà Nẵng và Quảng Nam có chiều hướng gia tăng. Chúng tôi đã giao cho Sở NN-PTNT, UBND huyện Đại Lộc phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng thực hiện ngăn đập tạm này, giảm xâm nhập mặn tại Cầu Đỏ, bù lượng nước cho phù hợp, đảm bảo vừa ngăn mặn nhưng vừa sử dụng nước có hiệu quả cho 2 địa phương”- ông Bửu nói.

Mới đây, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng có công văn gửi Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đề nghị khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn. Theo đó, SSở TN-MT, Sở NN-PTNT thành phố thường xuyên theo dõi, kịp thời phối hợp với các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn hoặc tham mưu UBND thành phố các vấn đề liên quan đến an toàn nguồn nước thô phục vụ vận hành các nhà máy nước trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, không để xảy ra trường hợp cao trình mực nước tại đập dâng An Trạch hạ thấp dưới 1,6 mét dẫn đến Trạm bơm phòng mặn An Trạch không thể vận hành, gây tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ thiết kế công trình "Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm", hoàn thành trong quý 3 năm nay.

Ông Trần Phước Thương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết, sau thi công xong đập tạm chặn dòng, bít cửa sông Quảng Huế và các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia xả nước xuống, tình trạng nhiễm mặn được giảm dần.

“Chúng tôi tận dụng nước đập dâng phòng mặn An Trạch và nước sông Cầu Đỏ. Trường hợp, nước sông Cầu Đỏ độ mặn cao phải đóng cửa hoàn toàn, sử dụng Trạm bơm An Trạch. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường tối đa vận hành các Trạm bơm cấp nước ở Hồ Hòa Trung, Khe Lạnh, nhà máy nước Hải Vân, Sơn Trà, tăng cường công suất các nhà máy cấp nước này. Hệ thống cấp nước đầu tư lâu đời, chúng tôi dần dần cải tạo đường ống nhỏ thay bằng đường ống lớn hơn"-ông Thương nói./.