Hiện nay ở các bệnh viện điều trị Covid-19 của TP.HCM có những bệnh nhân Covid-19 sau khi được điều trị khỏi đã xin ở lại bệnh viện, trở thành những tình nguyện viên chăm sóc cho các bệnh nhân khác hoặc phụ giúp các công việc hậu cần. Họ đang trở thành những trợ thủ đắc lực cho các y bác sĩ và là tấm gương truyền tinh thần lạc quan cho rất nhiều bệnh nhân khác trong cuộc chiến chống Covid-19.
Gần 1 tháng qua, các y bác sĩ và các bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị ở khoa nhiễm 1 - Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi có lẽ đã rất quen với hình ảnh một chàng trai trẻ đầu búi chỏm tóc, rất xông xáo, vui tính. Khi thì anh lau người, gội đầu cho bệnh nhân, khi thì đút cháo, pha sữa, khi thì đẩy xe đưa bệnh nhân qua khu chạy thận, rồi dọn dẹp vệ sinh các phòng bệnh, thậm chí giúp bệnh nhân thay tã. Gần như chẳng có công việc nào anh từ chối giúp đỡ. Anh là Hà Ngọc Trường - cựu F0 đã tình nguyện ở lại chăm sóc cho các bệnh nhân khác.
Từng là một bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển biến nặng, phải điều trị tích cực tại khu hồi sức cấp cứu (ICU) của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, sau gần 1 tháng được các y bác sĩ hết lòng chăm sóc, điều trị, Hà Ngọc Trường đã vượt qua “cửa tử”. Ngay từ khi chưa khỏi hoàn toàn nhưng đã qua giai đoạn nguy kịch và dần hồi phục thì chàng trai 28 tuổi đã bắt tay chăm sóc ăn uống, phụ giúp làm vệ sinh cho các bệnh nhân nặng hơn bởi ở bệnh viện điều trị Covid-19 thì không có thân nhân đi theo chăm sóc người bệnh như các bệnh viện khác. Càng làm càng thuần thục, Trường được các bác sĩ hướng dẫn thêm về công tác chăm sóc bệnh nhân như kiểm tra dịch truyền, thay dịch truyền, thay bình oxy,... Vừa làm, chàng trai vừa tâm tình động viên bệnh nhân, hướng dẫn mọi người tập thở, giữ tinh thần lạc quan.
Sau khi khỏi bệnh, thay vì trở về nhà, Hà Ngọc Trường đã xin được ở lại bệnh viện để tiếp tục làm tình nguyện viên. Theo chàng nhân viên bán hàng này thì hiện tại có trở về cũng chưa đi làm được vì cửa hàng nơi anh làm việc vẫn đóng cửa, trong khi đó nếu ở lại bệnh viện thì sẽ làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn để giúp đỡ cho tuyến đầu chống dịch.
“Khi nằm ở ICU, mình thấy các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc 4-5 tiếng đồng hồ mà không uống nước, không nghỉ ngơi vì họ mặc đồ bảo hộ, họ cứ làm liên tục để chăm sóc bệnh nhân. Lúc đó mình nghĩ trong đầu là nếu mà thoát được tử thần thì mình sẽ làm gì đó giúp cho mọi người. Rồi khi mình được chuyển xuống khoa nhiễm, thấy nhiều bệnh nhân không có người chăm sóc nên mình bắt đầu giúp đỡ cho mọi người”, bạn Hà Ngọc Trường chia sẻ.
Cũng từ sự tri ân với các y bác sĩ đã chăm sóc, điều trị cho mình, một nhóm “cựu F0” khác của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 ở TP.Thủ Đức cũng đã xin ở lại làm tình nguyện viên. Đó là nhóm của chị Nguyễn Thị Mỹ Điền. Trong gần 1 tháng qua, mỗi ngày, chị Điền và các tình nguyện viên sẽ tuân theo sự điều động của bệnh viện để phụ giúp các công việc hậu cần như: Dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đi phun khử khuẩn, nhận hàng cứu trợ hay các công việc hành chính: ghi chép, sắp xếp hồ sơ bệnh nhân. Công việc tuy vất vả, có khi bắt đầu từ 5-6h sáng và kéo dài đến 10h đêm nhưng chị Mỹ Điền luôn cảm thấy hạnh phúc vì được góp sức trong cuộc chiến chống dịch của Thành phố và cả nước.
“Các y bác sĩ nói là hiện tại mình đã hoàn toàn âm tính và trong vòng 3 tháng thì kháng thể của mình rất tốt. Mình cảm thấy đây là điểm mạnh để mình tận dụng và phát huy, để tham gia vào đội lấy mẫu của các F0”, bạn Hà Ngọc Trường chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Anh - Phó giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức, TP. HCM thì ngành y tế và các bệnh viện nên xem xét, phát huy tinh thần tình nguyện này của các “cựu F0”, đồng thời cũng cần tập huấn, hướng dẫn kỹ về công tác phòng chống dịch cho họ trước khi tham gia làm nhiệm vụ.
“Từ trải nghiệm trong quá trình là bệnh nhân họ sẽ biết được những gì mà một bệnh nhân Covid sẽ trải qua nên họ sẽ là những người tốt nhất, gần gũi bệnh nhân, giúp các bệnh nhân khác cảm thấy là có người đi trước đã vượt qua, sẽ lạc quan, tự tin hơn trong quá trình điều trị bệnh. Những tình nguyện viên như vậy là một sự giúp đỡ hết sức quý báu và thiết thực, không chỉ giúp bệnh nhân mà còn giúp đội ngũ y tế giảm bớt gánh nặng để tập trung tốt hơn vào công tác chuyên môn điều trị bệnh”, bác sĩ Nguyễn Lan Anh chia sẻ.
Việc các F0 sau khi khỏi bệnh xin được ở lại làm tình nguyện viên ở các bệnh viện điều trị Covid-19 đang ngày một nhiều. Những "cựu F0" đã chiến thắng trong cuộc chiến của chính mình với Covid-19 và giờ đây họ lại tiếp tục trở thành những chiến binh đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch. Mỗi một sự chung tay, góp sức của bất kỳ cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào trong thời điểm này đều có ý nghĩa và giúp cho TP.HCM thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng đại dịch./.