Cụ thể, trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Báo điện tử VOV mới đây, ông Nguyễn Hữu Toàn (SN 1983, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đại điện cho 6 thành viên khác trong gia đình lên tiếng kêu cứu về việc chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã có hành vi vi phạm pháp luật về thông báo, thẩm định giá, xác minh và các hành vi khác làm sai lệch hồ sơ thi hành án dân sự gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng cho bản thân ông Nguyễn Hữu Toàn và các thành viên khác trong gia đình.
Trong đơn, ông Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, ông và 5 thành viên khác trong gia đình có dùng sổ đỏ để giúp ông Nguyễn Hữu Thạnh (là anh trai ruột của ông Toàn) vay vốn để mở Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến. Tuy nhiên, sau đó Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến do ông Nguyễn Hữu Thạnh làm đại diện bị phá sản, không có khả năng tự chi trả số tiền đã vay cho ngân hàng.
Xét theo Bản án số 14/2009/DSST ngày 16/12/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thì trong trường hợp công ty của ông Nguyễn Hữu Thạnh không hoàn trả được số tiền đã vay cho ngân hàng thì các tài sản thế chấp sẽ bị xử lý phát mại.
Nhiều diện tích đất ở bỗng thành đất ao hồ khi đưa ra đấu giá
Ngày 1/10/2010, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định số 175/QĐ-THA về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của ngân hàng cho ông Nguyễn Hữu Thạnh vay vốn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Toàn, trong quá trình thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thì chấp hành viên Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng đã không thẩm định đúng loại đất, không đúng giá trị đất. Theo đó, thửa đất của chính ông Toàn có diện tích là 2.963m2 đã được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nuôi trồng thủy sản thành sử dụng để cất nhà ở và kinh doanh. Song, chấp hành viên đã xác định diện tích đất trên là đất ao hồ dẫn tới giá trị tài sản bị sai, gây thiệt hại cho ngân hàng và chính bản thân ông Thạnh, ông Toàn. Trên mảnh đất này có một căn nhà gỗ với diện tích 330m2, xây từ năm 2004 với chi phí gần 2 tỷ đồng, nhưng khi kê khai tài sản, căn nhà này cũng không được kê khai là tài sản nằm trên đất.
“Ngoài ra, ở một mảnh đất khác thuộc sở hữu của anh trai tôi là ông Nguyễn Hữu Tấn (đã mất năm 2008) và vợ là bà Trần Lê Khoa, trong quá trình kê biên cũng đã có sự chênh lệch diện tích thấp hơn diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 2.000 m2.
Biên bản kê khai tài sản cũng kê thiếu và không thẩm định giá, bán đấu giá với 1 căn nhà cấp 3 có diện tích là 184,03 m2 xây dựng năm 2004 nằm trên mảnh đất này. Quá trình thẩm định và đấu giá đất không đúng giá trị đất, từ đất ở chuyển thành đất ao hồ là 2.331m2”, ông Nguyễn Hữu Toàn bức xúc.
Nhiều lần xin được trả nợ nhưng không thành
Trong đơn kêu cứu, ông Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng, trong quá trình thi hành án, Cơ quan thi hành án đã không tạo điều kiện để những người chủ sở hữu, đồng sở hữu tài sản thế chấp trả nợ thay cho Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến để hoàn trả cho phía ngân hàng.
“Trước ngày bán đấu giá, chúng tôi có đến gặp chấp hành viên để xin nộp tiền trả nợ thay và nhận lại tài sản đã thế chấp nhưng không được giải quyết. Họ nói rằng cứ về rồi từ từ giải quyết, nhưng sau đó gia đình tôi nhận được tin toàn bộ đất đai bị đem ra bán đấu giá.
Phía Cục Chấp hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng sau này có giải thích rằng đã nhiều lần gửi thông báo đến cho tôi và những người trong gia đình tôi có liên quan đến vụ việc. Nhưng thực tế thông báo này không được gửi đến đúng địa chỉ của tôi như ghi trên hồ sơ bản án, tôi và các thành viên trong gia đình đều không nhận được thông báo. Việc tài sản bỗng chốc bị đem ra bán đấu giá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của chúng tôi, những con người đang bám vào việc nuôi trồng thủy sản để sinh sống, đẩy chúng tôi đến cảnh không còn nơi sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Hữu Toàn nói.
Trước tình trạng này, trong suốt hơn 4 năm qua, ông Nguyễn Hữu Toàn đại diện cho gia đình đã gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, sau nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng, thì Cục đã có kết luận số 03KL-THADS ngày 26/6/2018 do Phó Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng Hồ Minh Hải ký. Trong đó, chấp hành viên có giải trình một số nội dung sai lệch khi kê biên tài sản do “lỗi sơ xuất đánh máy” nhưng sau đó vẫn tiếp tục cưỡng chế.
“Nhiều lần Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng trả lời miệng rằng vì có một số lỗi trong quá trình thẩm định, kê biên tài sản nên đã gửi đề nghị lên Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng để hủy bản án và tiến hành thẩm định, đấu giá lại từ đầu, song suốt 4 năm qua, vẫn chưa có kết quả”, ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết.
Tương tự ông Nguyễn Hữu Toàn, bà Lê Thị Đông Xuân (chị họ ông Nguyễn Hữu Toàn và Nguyễn Hữu Thạnh) cũng từng cầm cố sổ đỏ để vay vốn giúp ông Nguyễn Hữu Thạnh. Bà Xuân cho biết, đến khi ông Thạnh bị vỡ nợ, gia đình bà nhiều lần mang số tiền phải trả (tổng số là 150 triệu đồng) lên ngân hàng và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng để trả nợ, chuộc lại diện tích đất đã cầm cố, nhưng không thành.
“Khi chúng tôi hỏi ngân hàng thì bảo sang thi hành án, khi hỏi thi hành án thì bảo sang ngân hàng. Cuối cùng gia đình tôi không được trả nợ theo đúng quy định mà bỗng dưng mất đất, bên cạnh đó cũng không nhận được thông báo nào về việc đất của mình bị đem ra bán đấu giá. Gia đình tôi không có gì ngoài mảnh đất đó để canh tác, nuôi tôm, cũng không có nghề phụ gì, trong khi phải nuôi các con ăn học. Nhiều năm sau khi bị cưỡng chế, gia đình tôi đã khiếu nại khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn”, bà Lê Thị Đông Xuân nói.
Trước những thông tin từ ông Nguyễn Hữu Toàn, phóng viên VOV.VN đã trực tiếp tới Cục Thi thành án dân sự tỉnh Sóc Trăng để xác minh, một lãnh đạo của Cục này cho biết đã nhiều lần nhận được đơn thư kiến nghị về các vấn đề trên từ gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn, tuy nhiên, thông tin chi tiết về sự việc sẽ trả lời bằng văn bản.
Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Quốc An, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lịch Hội Thượng cho biết, vào cuối năm 2019 xã Lịch Hội Thượng có nhận được thông báo từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng về việc cưỡng chế đất của gia đình ông Nguyễn Hữu Thạnh và Nguyễn Hữu Toàn tại khu vực ấp Năm Chánh và ấp Sóc Lèo. Tuy nhiên, ở khu vực ấp Sóc Lèo khi cưỡng chế thì gia đình anh em ông Nguyễn Hữu Thạnh và Nguyễn Hữu Toàn không có mặt, đoàn cưỡng chế của tỉnh và xã phối hợp đo đạc và giao lại đất cho bên trúng đấu giá đất.
“Tôi biết gia đình rất bức xúc, không đồng ý với quyết định cưỡng chế đất này vì họ cho biết không nhận được thông báo về việc đất bị đem ra bán đấu giá, việc cưỡng chế đất mang tính áp đặt. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của hội đồng nhân dân huyện, ông Nguyễn Hữu Thạnh và Nguyễn Hữu Toàn nhiều lần kiến nghị các cấp xem xét đơn khiếu nại tố cáo để giúp gia đình tháo gỡ khó khăn, được trả nợ và lấy lại đất sản xuất. Mỗi kỳ họp tại xã, gia đình đều kiến nghị, nhưng vấn đề này vượt quá thẩm quyền của chúng tôi.
Thực tế tại địa phương, chúng tôi cũng nhận thấy sau khi gặp những vướng mắc liên quan đến cưỡng chế đất, nhiều diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Hữu Thạnh và Nguyễn Hữu Toàn trở thành đất treo, đất bỏ hoang, nhiều năm không thể canh tác, điều kiện cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Bản thân chúng tôi cũng thường xuyên động viên gia đình, rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ nhanh chóng giải quyết để giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông Trần Quốc An nói.
Báo Điện tử VOV sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.
Video bức xúc của người dân