Sau khi phát bánh mì bữa sáng cho cả xóm, bà Nguyễn Thị Xuân Sang, tổ trưởng tổ 84, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đến “chợ tạm” do quận Liên Chiểu mới mở để mua hàng giúp người dân trong tổ. Chợ tạm đặt trong khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Chơn, trên đường Hồ Quý Ly có 2 cổng ra, vào tách biệt, vừa thoáng đãng, vừa rộng rãi. Nói là chợ nhưng chỉ có mấy chiếc bàn đặt hàng thiết yếu, rau củ quả và thịt tươi, khu họp chợ là nhà xe của trường. Ban quản lý chợ là cán bộ phường, người mua là cán bộ tổ dân phố đeo băng đỏ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Sang lần lượt mua lượng thịt, trứng mà người dân trong tổ đặt mua qua đơn hàng được bà viết vội trên giấy học trò, tờ lịch cũ: “Tôi được cả xóm bầu làm tổ hậu cần. Tôi đến đây chờ để mua hàng cho dân, tôi thấy quận Liên Chiểu rất chu đáo trong việc cung cấp lương thực. Bây giờ đã có chợ tạm nên nếu kéo dài thêm 10 ngày thì chắc chắn dân mình sẽ không thiếu đồ ăn, thức uống. Chợ tạm mở có không gian rộng, tránh bị lây nhiễm chéo”.
Bắt đầu từ ngày 24/8, quận Liên Chiểu triển khai thí điểm các điểm bán hàng lưu động tại các phường. Trước mắt, 5 phường có 5 điểm bán hàng lưu động cung ứng các mặt hàng rau, củ, quả và hàng tươi sống gồm thịt, cá, tôm... Lãnh đạo quận Liên Chiểu đã làm việc với 2 đơn vị cung ứng thực phẩm là Công ty TNHH Hai Thuyên và Hội doanh nghiệp trẻ thành phố cung ứng thực phẩm với tinh thần đảm bảo chất lượng và giá cả thấp nhất. Các phường cũng chọn địa điểm phù hợp để triển khai việc bán hàng cho người dân.
Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết: “Phường Hòa Khánh Nam trước mắt triển khai điểm bán hàng lưu động tại trường Tiêu học Hồng Quang để bán cho khu vực Đà Sơn, Khánh Sơn. Điểm bán hàng này khá phong phú, đặc biệt qua kiểm tra thực phẩm đơn vị cung cấp thì chất lượng hàng hóa rất là tốt. Do nguồn hàng tại chỗ nên thịt, tôm đều rất tươi. Qua phản ánh của người dân thì giá cả rất hợp lý”.
Các điểm bán hàng mới thiết lập này do UBND phường quản lý, người dân muốn mua thực phẩm thì đăng ký những mặt hàng mình cần mua, Tổ Covid cộng đồng tại khu dân cư đến mua về cho dân. Quận Liên chiểu giao UBND các phường rà soát nhu cầu của người dân để kịp thời báo cho đơn vị cung ứng để đảm bảo lương thực, thục phẩm. Nếu quận Liên Chiểu mở 5 chợ tạm tại 5 phường để bán lương thực, thực phẩm đến cán bộ tổ dân phố thì quận Sơn Trà cũng mở 2 chợ tạm tại phường Nại Hiên Đông và Mân Thái. Cán bộ Ban quản lý các chợ quận Sơn Trà còn linh động bán lẻ cho một số hộ dân gần chợ tại một số thời điểm vắng người trong ngày.
Ông Nguyễn Văn Quý, Tổ trưởng tổ quản lý chợ Mân Thái cho biết: “Thời gian bán từ 6 giờ đến 18 giờ chiều. Còn thực hiện giãn cách thì đảm bảo 2 mét. Lượng cán bộ tổ dân phố mua là theo phân bố chẵn lẽ. Ngày chẵn là từ tổ 1 đến tổ 31. Sau thì từ tổ 32 đến 62. Sau thời gian bán cho cán bộ thì người dân mua lẻ. Chỉ có người có phiếu của tổ Covid, mình mới bán còn hết thời gian quy định thì linh động bán lẻ cho một vài người”.
Quận Hải Châu cũng đang triển khai 2 mô hình chợ di động bằng cách phối hợp với một doanh nghiệp để thiết lập, đồng thời chọn những trường học thoáng mát và nơi không có ca F0 để lập chợ tạm.
Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, quận chủ động tìm nguồn hàng hơn 10 tấn cá, vài tấn tôm và nhiều rau củ quả để cung ứng cho người dân:
“Mỗi phường cũng tự liên hệ các đầu mối để cung ứng cho người dân cũng nhiều từ thịt, cá, gà, các loại rau củ quả. Nói chung là tự mỗi địa phương đều nỗ lực tìm các nguồn hàng để đem về cho dân. Cách thức là tự UBND phường đều làm hết chứ không thông qua nhà cung ứng nữa. Bởi vì hệ thống siêu thị trên địa bàn quận đã quá tải rồi nên chính quyền tham gia vào việc cung ứng hàng cho dân”.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động tìm nguồn lương thực thực phẩm cung ứng cho người dân, nhất là phối hợp với các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao cách làm của các quận Liên Chiểu, Hải Châu về việc chủ động mở các chợ tạm để cung ứng hàng hóa thiết yếu thông qua cán bộ tổ dân phố, đồng thời đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch:
“Tôi đề nghị các đồng chí nhân rộng mô hình chợ tạm, gọi là điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu tập trung ở các phường. Chúng ta phải đảm bảo tốt hơn các điều kiện từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến các biện pháp phòng chống dịch, rồi việc tiếp xúc giữa người bán và người mua là cán bộ bán hàng ở trong ban điều hành”./.