Phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc đưa tin, sáng 9/8, 20 cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh lên đường hỗ trợ tỉnh Tây Ninh phòng, chống dịch COVID-19.
20 y, bác sĩ tham gia chống dịch tại Tây Ninh lần này đều là nhân viên y tế có trình độ, chuyên môn cao, nhất là trong lĩnh vực hồi sức tích cực tại bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển. Trong đó có nhiều y, bác sĩ vừa trở về từ các đợt hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bắc Giang.
Đây cũng là đợt thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ các địa phương khác trong cuộc chiến phòng, chống dịch.
"Với tinh thần sẵn sàng chi viện cho các tỉnh bạn và sẵn sàng các phương án cho tình huống xuất hiện hàng nghìn ca mắc COVID-19 trên địa bàn, chúng tôi đã tập huấn, đào tạo cho tất cả cán bộ bệnh viện có thể làm được tất cả các việc từ sàng lọc, xét nghiệm tới chăm sóc bệnh nhân nhẹ tới bệnh nhân hồi sức tích cực. Chúng tôi không chỉ tập huấn, đào tạo cho nhân viên bệnh viện, mà còn đào tạo cho các bệnh viện khác trong tỉnh để đáp ứng được nhiệm vụ chống dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân"- ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc bệnh viện Việt Nam Thụy Điển, Uông Bí cho biết.
Theo phóng viên Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL, sáng 9/8, đoàn y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau đã lên đường đi TP.HCM để hỗ trợ cho Bệnh viện Chợ Rẫy trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Sau khi nhận được lời kêu hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã phổ biến và động viên các bác sỹ, điều dưỡng đăng ký. Có nhiều y, bác sỹ đăng ký lên tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như điều trị bệnh cho người dân tại địa phương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cử 2 bác sỹ và 4 điều dưỡng của Khoa Hồi Sức tích cực chống độc lên hỗ trợ.
BS Trần Hoàng Phó, một trong những người đi hỗ trợ cho biết, trước diễn biến tình hình dịch hiện nay rất cần sự đóng góp của mọi người để cùng vượt qua khó khăn. "Những người đăng ký đi đợt này đã nhận được sự động viên rất lớn của lãnh đạo, đồng nghiệp trong bệnh viện, người nhà và cả người thân của các bệnh nhân đang điều trị"- BS Phó chia sẻ.
Phóng viên Lê Hiếu/VOV-Miền Trung đưa tin, sáng 9/8, Bệnh viện Trung ương Huế xuất quân vận chuyển số lượng lớn trang thiết bị, vật tư y tế để bổ sung, hoàn thiện Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM.
Từ sáng sớm, đoàn y bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Huế đã lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh tiến hành lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM đã được đưa vào hoạt động từ ngày 7/8. Đợt bổ sung nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế lần này góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hồi sức tích cực tại trung tâm. Các cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh là những người giàu kinh nghiệm được đào tạo chuyên môn và các kỹ năng chuyên sâu về điều trị như: đặt nội khí quản ở bệnh nhân Covid-19, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng (ECMO)… Ngoài ra, các điều dưỡng cũng được tập huấn bài bản cách chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19 nặng, thở máy; hướng dẫn tập vận động, phục hồi chức năng cho người nhiễm Covid-19…
Bác sỹ Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bên cạnh tăng cường cho Trung tâm Hồi sức Covid-19 bệnh viện Trung ương Huế tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị cũng đảm bảo chuyên môn, sẵn sàng nhân lực, vật lực tại Huế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Trong tuần này chúng tôi cử đoàn khoảng 300 cán bộ y tế vào thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo công tác chuyên môn của Trung tâm và tùy tình hình thực tế chúng tôi sẽ cử các cán bộ có chuyên môn giỏi để đảm bảo công tác chuyên môn tại trung tâm để triển khai hoạt động một cách hiệu quả cũng như đem lại tỉ lệ thành công cao nhất góp phần cứu sống bệnh nhân Covid-19./.”