Theo thông tin từ UBND huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội), Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam vừa có khảo sát, đánh giá nguyên nhân và hướng khắc phục "hố tử thần" ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ.
Theo đó, dọc tuyến đường và tuyến ngang đường, địa chất khu vực xảy ra sự cố biến đổi phức tạp, dị thường như xen kẹt lớp bùn bồi tích, túi bùn, túi khí, hang caster…
Đánh giá sơ bộ về nguyên nhân sụt lún, theo kết quả đo địa vật lý cùng với hiện trạng công trình, quan trắc bằng mắt thường cho thấy hố sụt lún tạo ra do khoan vào túi khí làm bục thành, tạo ra hố sụt.
Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cũng đề xuất phương án khắc phục. Đầu tiên, dọn dẹp mặt bằng khu sụt lún rồi lấp đầy hố bằng những vật liệu phù hợp, dự kiến lớp dưới cùng bằng đá hộc dày 1m, tiếp đến là lớp base dày 1m và trên nữa là cát lèn chặt lấp đầy. Tiếp đó, khoan tạo lỗ để phụt vữa xi măng - bentoniter lấp đầy các lỗ rỗng xung quanh khu vực sụt lún, cứng hóa khu vực sụt lún. Trải vải địa kỹ thuật gia cố 2 lớp tăng cường phía trên vật liệu, lấp đầy hố sụt lún với cường độ dự kiến 150 kn/m, tiến hành neo đầu vải như quy định. Cuối cùng, hoàn thành rãnh nước, các lớp mặt đường như ban đầu, thử tải và quan trắc sau khi xử lý.
Theo lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ, mặc dù Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã đưa ra phương án, nhưng về chuyên môn vẫn phải do hội đồng thẩm định thông qua, sau đó huyện sẽ báo cáo các sở, ngành và xin chỉ đạo của UBND TP Hà Nội trước khi triển khai khắc phục.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia địa chất Nguyễn Quốc Khánh thuộc Liên hiệp khảo sát Địa chất xử lý nền móng công trình cho biết, nếu không tính lớp đất san lấp ở trên mặt thì nền đất ở đây có khoảng 5 lớp đất chính: phía trên là lớp đất sét bột màu nâu vàng, nâu đỏ lẫn dăm sạn dày khoảng 6-13m; tiếp đến là lớp cát, bột cát màu xám dày 2-5m và lớp sét, bột sét màu nâu vàng, xám nâu dày 5-7m rồi chuyển qua lớp đá sét kết, sét bột kết màu xám ở độ sâu khoảng 20m, lớp này dày khoảng 20-30m tùy từng vị trí; dưới cùng là lớp đá vôi màu xám, xám xanh khá rắn chắc.
Với đặc điểm địa chất như vậy, ở vùng này có 2 tầng chứa nước là nước lỗ hổng và nước ở trong tầng đá gốc. Tầng chứa nước lỗ hổng nằm khá gần mặt đất nên nhiều hộ gia đình tại đây vẫn đào hoặc khoan giếng đến độ sâu 10-12m, tuy nhiên nước ở tầng này tại đây chứa khá nhiều sắt và mangan nên ngày càng có nhiều hộ gia đình ở đây khoan giếng để lấy nước trong tầng đá gốc, nước trong và sạch hơn.
“Vì nền đất ở đây có lớp đá vôi nằm dưới cùng và cũng khá gần sông Đáy nên hiện tượng Karst có thể phát triển với nhiều hang động ngầm ở sâu dưới đất nên khi tiến hành khoan, chẳng may gặp phải hang động Karst ngầm hay vị trí đất đá bị nứt nẻ mạnh chứa nước thông với các hệ thống hang động ngầm thì nước ở trong tầng cát phía trên chảy qua lỗ khoan xuống trực tiếp tầng chứa nước Karst bên dưới. Nước chảy sẽ rửa trôi dần đất ở xung quanh tạo thành phễu, hàm ếch gây ra hiện tượng lún sụt đất mà ta đã thấy. Hiện tượng sụt lún như vậy thường không lớn nhưng khi không được sớm xử lý, bịt lỗ khoan thì nước ở phía trên bao gồm cả nước ngầm và nước mặt vẫn chảy xuống tầng chứa nước Karst bên dưới, làm đất xung quanh tiếp tục bị rửa trôi dẫn đến hố sụt ngày càng mở rộng gây ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình và đường Tỉnh lộ 419. Ở nhiều nước trên thế giới, tại các có vùng đá vôi, họ cấm hoàn toàn hoạt động khoan giếng tự phát vì có thể gây ra sụt lún đất”, chuyên gia địa chất Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, cần sớm lấp lại hố sụt ngay, nếu không nước mưa trên mặt và từ hệ thống cống đổ vào hố sụt sẽ làm hố sụt tiếp tục sập sụt.
“Vì hố sụt xuất hiện do nước ngầm ở tầng trên chảy trực tiếp xuống hệ thống hang động karst ngầm bên dưới, vì thế chúng ta cần lấp lại ngay bằng đá hộc, tiếp đến là các vật liệu thô hơn như đá dăm, sạn sỏi rồi đến đất sét, bột sét theo nguyên tắc thô trước mịn sau. Vì hố sụt cạnh cống thoát nước của đường tỉnh lộ 419, nên phía trên cần gia cố thêm lớp bê tông để hạn chế sự thẩm thấu của nước mặt xuống lớp đất đá đã lấp phía dưới”.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 6/4, một hộ dân trên địa bàn thôn Hai, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) tổ chức khoan giếng bất ngờ bị sụt lún, tạo thành “hố tử thần" với diện tích rộng hơn 50m2 và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Khu vực miệng hố nằm trước mặt tiền ba căn nhà một tầng, ba tầng và năm tầng kinh doanh quán ăn, quầy thuốc và tiệm sửa xe. Sàn nhà của hiệu thuốc, cột điện cùng nhiều đồ đạc bị kéo tụt xuống phía dưới. Khu vực này cách sông Đáy hơn 1.500m, cách vụ sụt hố ở xã Nam Phương Tiến (tháng 4/2020) khoảng 10km./.