Vào dịp cuối năm, nhiều tuyến đường tại Hà Nội lại được xới lên, ốp, lát lại vỉa hè - kéo theo nhiều vấn đề như bụi mù mịt ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông. Đặc biệt là tình trạng đơn vị thi công bới đất đá sát đến gốc cây, cắt tỉa rễ nổi để lấy mặt bằng thi công, lắp đặt hệ thống ngầm… mà chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn. Điều này khiến người dân sống tại những khu vực này cảm thấy lo ngại đến sự an toàn của mình và gia đình nếu cây xanh bị bật gốc, gãy đổ.

Ghi nhận từ nửa tháng nay, người dân đi qua các tuyến phố: Phố Huế, Phố Hàng Bài (Hà Nội) đang gặp phải nhiều khó khăn do vỉa hè được lật lên để lát đá. Việc làm này không chỉ gây phiền toái cho người tham gia giao thông mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở hai bên những tuyến phố này.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Uyên (sống tại Phố Hàng Bài) cho biết, công việc này tuy có làm cho vỉa hè đẹp, đường xá khang trang hơn nhưng không hiểu vì sao cả năm không triển khai mà lại đúng dịp cuối năm mới làm. 

“Trong quá trình thi công, các cây xanh trên vỉa hè bị đào sát vào gốc để lấy mặt bằng thi công các công trình như lắp đặt hệ thống điện ngầm, hố ga, ốp đá lề đường…. Nhiều rễ cây bị cắt đứt khiến cây xanh bị thu hẹp diện tích tiếp xúc với đất, phần rễ bị đứt làm cây không còn bám chắc như trước lại không được chằng chống khiến chúng tôi rất lo lắng”, bà Uyên chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Mạnh (sống tại Phố Huế) chia sẻ: “Kỳ lạ thay, khi thi công các đơn vị không hề chằng chống cây xanh trong khi có cây ngả cả ra đường. Trước mắt thì không sao nhưng không ai dám khẳng định khi có dông, lốc bất ngờ, những cây cổ thụ cao lớn này hoàn toàn có khả năng sẽ gãy đổ, đe dọa đến an toàn của người tham gia giao thông qua đây”.

Theo ông Mạnh, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quá trình thi công, việc đào đất quá mức vào sát gốc làm đứt rễ cây sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng. Ngoài ra khi thi công, cần có những biện pháp an toàn như chằng chống cây xanh, bảo vệ an toàn cho những người đi đường…

Nhiều ý kiến lo ngại, ngoài việc gây mất an toàn trong quá trình thi công, về lâu về dài những cây cổ thụ này khi bị cắt đứt rễ, khoét sâu vào gốc sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Những cây này hoàn toàn có thể chết dần chết mòn. Những cây có bộ rễ chùm (không ăn sâu xuống đất và có tán lá rộng) rất dễ bị bật gốc, gãy đổ khi có mưa dông.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân xảy ra các hiện tượng cây đổ gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua xuất phát từ việc chỉnh trang đường phố, vỉa hè. Khi đó, người ta chặt bớt rễ cây, có chỗ nước ngập sâu, chỉ còn rễ nổi nên gặp gió to là đổ.

Một đặc điểm khác, gió lốc trong thành phố với nhiều nhà cao tầng nên gió thổi theo luồng rất mạnh nên cây yếu dễ đổ. Đây là một yếu tố cần phải tính đến khi trồng và chăm sóc cây.

Trong khi đó, đặc điểm của vỉa hè Hà Nội khá hẹp, đường phố thì bị lu lèn chặt, rễ chưa chắc đã ăn sâu xuống đất cộng với tán cây to dễ đổ khi gió mạnh. Đây là điều mà các đơn vị thi công cũng như đơn vị quản lý cây xanh nên có sự phối hợp chặt chẽ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc trong quá trình chỉnh trang đô thị./.