Tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 1 trường hợp mất tích do nước cuốn trôi. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Đường (51 tuổi), ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, đi đò ra kiểm tra hồ tôm bị chìm đò, mất tích. Hiện, các lực lượng Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với địa phương khẩn trương tìm kiếm.
Tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch có 22 người đi rừng chưa về nhà. Xã Hưng Trạch đã yêu cầu người nhà tiếp tục liên lạc và thông báo cho những người này tìm nơi tránh trú an toàn hoặc về nhà. Có 11 người đang thực hiện nhiệm vụ ở 4 Trạm thuộc Hạt Kiểm lâm Bố Trạch đang ở khu vực nguy hiểm, huyện này đã chỉ đạo nếu thời tiết tiếp tục mưa to trong đêm thì phải sơ tán 11 người.
Tại huyện Lệ Thủy, nước lũ đã ngập từ 0,5 mét đến 1 mét ở các xã thấp trũng. Người dân ở đây đã bắt đầu di chuyển đồ đạc lên tầng cao đề phòng lũ dâng ngập vào nhà trong tối nay. Một số thôn, xã ở khu vực miền núi ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch tiếp tục bị chia cắt cục bộ do nước ngập các ngầm tràn, một số nơi xung yếu bị ngập từ 1m đến 2m. Trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các đoạn trên quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào các bản làng trên biên giới nhiều nơi bị ngập sâu và sạt lỡ gây ách tắc giao thông và chia cắt cục bộ.
Nước dâng cao gây ngập ngầm Bùng trên Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 559B đến hơn 1 mét rưỡi, gây tắc đường. Các tuyến Quốc lộ 9B, 9C xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất trên núi xuống mặt đường. Nhiều ngầm tràn nước dâng cao ngập đến 1,5m, người và phương tiện không thể lưu thông, địa phương đã có biển cảnh báo và cử lực lượng chốt chặn. Chính quyền địa phương đã bắt đầu di dời người dân vùng nguy hiểm, sạt lở đến nơi an toàn.
Tỉnh Quảng Bình cũng lên kịch bản di dời hơn 65 ngàn người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm gồm vùng ven biển và cửa sông, vùng xung yếu dễ sạt lở trong trường hợp mưa lũ trên báo động 3. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng bộ đội biên phòng đã triển khai di dời dân ở vùng nguy hiểm, tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo không để người dân vùng bị chia cắt thiếu ăn.
Đại tá Trịnh Thanh Bình cho biết: “Bộ đội Biên phòng chủ động rà soát các phương án kế hoạch tập trung vào phòng chống lũ lụt, phòng chống sạt lở đảm bảo an toàn cho các tổ chốt trên biên giới, cửa khẩu. Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại nơi xung yếu để tổ chức di dời, sơ tán, vận chuyển lương thực tới các đồn để chủ động sẵn sàng ứng cứu khi bị chia cắt dài ngày”.
Một số hình ảnh tại hiện trường: