Năm học 2021-2022, thành phố Cần Thơ chọn hình thức học trực tuyến đối với khối Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông. Tuy nhiên, ngành giáo dục Cần Thơ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nổi trội nhất là việc thiếu thiết bị để theo học trực tuyến, đường truyền mạng không đảm bảo, nhiều nơi còn chưa lắp đặt wifi, học sinh phải sử dụng 3G, 4G. Đồng thời, điều kiện nền tảng Công nghệ thông tin đối với hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa đáp ứng đủ yêu cầu dạy học online.
Ghi nhận buổi học trực tuyến tại nhà em Chane Ra Ta Ni, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Nhà em hiện không có máy tính, bắt đầu môn học em sẽ sử dụng chiếc điện thoại nhỏ để vào lớp. Theo em Ta Ni, nhà trường sử dụng chung ứng dụng Zoom cho việc học trực tuyến, mỗi tiết giới hạn 40 phút, việc tập hợp đủ học sinh vào đã mất từ 5-10 phút, thời gian học không còn được bao nhiêu. Hơn nữa, đường truyền cũng hay bị nghẽn, nhiều lúc chững lại, gián đoạn, khiến việc học rất khó khăn.
Em Chane Ra Ta Ni cho biết thêm: “Các nhà sách đều phải đóng cửa khi thực hiện Chỉ thị 16, nên có một số gia đình vẫn chưa cung cấp đủ dụng cụ học tập cho các bạn học sinh, việc học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là đường truyền khá kém, một số bạn bị văng ra trong khi lớp vẫn còn đang học. Một số khó khăn nữa đó là những học sinh chuyển cấp cần phải tiếp thu rất nhiều kiến thức để có thể thi tuyển sinh một cách tốt nhất nên việc học trực tuyến gây khó khăn cho các bạn sắp chuyển cấp như em”.
Học sinh cuối cấp tại Cần Thơ cũng đã từng quen với việc học trực tuyến, khó khăn có thể tạm thời tự điều chỉnh. Tuy nhiên, với những lớp đầu cấp như lớp 6, từ ngày 13/9 nhập học online thì nỗi lo lắng không chỉ có học sinh mà kèm theo cả phụ huynh.
Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết, ở số nhà 120 đường số 4A, Khu dân cư 586, quận Cái Răng, Cần Thơ chia sẻ, trước khi con gái bà chính thức nhập học, trường THCS Lương Thế Vinh đã gửi video hướng dẫn cách sử dụng phần mềm Zoom. Cô chủ nhiệm cũng cho các cháu sinh hoạt lớp 2 lần qua nhóm. Tuy đã có sự liên kết, nhưng bản thân bà vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn.
“Băn khoăn, lo lắng không biết trong thời gian tới như thế nào nếu như các bé cứ học online trong thời gian dài, điều này cũng ảnh hưởng đến mắt của bé, cũng như những môn học, sinh hoạt thể dục thể thao. Việc sử dụng công nghệ của các bé cũng không phải là quá tốt, phụ huynh cũng phải theo sát cho nên ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh”, bà Tuyết chia sẻ.
Cần Thơ đã khó, tỉnh Tiền Giang lại là lần đầu tiên dạy và học trực tuyến nên tuần đầu triển khai đối với khối lớp 9, lớp 12 nên còn gặp nhiều lúng túng hơn. Tùy vào thời khóa biểu của mỗi trường, học sinh sẽ thực hiện các tiết học trên hệ thống K12Online hoặc các ứng dụng Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams… Tuy đã được hướng dẫn các thao tác khá kỹ lưỡng khi học trực tuyến nhưng trong những ngày đầu, nhiều học sinh vẫn không tránh khỏi việc gặp sự cố trục trặc do vấn đề kỹ thuật khi đăng nhập phần mềm trực tuyến. Một số học sinh nhất là khối lớp 9 chưa trang bị kịp thời máy vi tính (do giãn cách xã hội) nên bất đắc dĩ phải sử dụng Ipad hoặc điện thoại thông minh để học. Việc kết nối tín hiệu với máy chủ đôi lúc rất chậm, mất tín hiệu, chất lượng âm thanh, hình ảnh truyền dẫn không cao.
Ông Đào Văn Hoàng, phụ huynh của một học sinh lớp 9 trường THPT Xuân Diệu, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Con tôi cho biết, học trực tuyến chỉ đáp ứng được 50-60% so với học trực tiếp”.
Từ ngày 6-20/9 toàn bộ học sinh lớp 9 và 12 toàn tỉnh Kiên Giang cũng học trực tuyến trên môi trường internet. Đến thời điểm này, việc học tập gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở vùng biển đảo, biên giới, vùng sâu. Trong đó chủ yếu là đường truyền internet không ổn định, không đảm bảo để kết nối được thông suốt, liên tục; học sinh thì thiếu thốn các trang thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính có kết nối internet để tham gia học.
Ông Võ Hồng Phú, Trưởng phòng giáo dục huyện đảo Kiên Hải cho biết, hiện nay huyện đang khảo sát, thống kê những em học sinh nào không có điều kiện học qua môi trường mạng để có phương án dạy học phù hợp. với những em không có điều kiện học online, các trường sẽ giao bài học, bài tập cho học sinh qua zalo, giao trực tiếp và sẽ thu bài để kiểm tra, đánh giá. Hiện nay Kiên Hải còn hơn 100 giáo viên đang mắc kẹt trong đất liền, chưa có phương tiện ra đảo do giãn cách. Sách giáo khoa đã có 100% do huyện đảo chủ động nguồn sách nên đã nhận đủ sách cho học sinh. Điều kiện chuẩn bị khá chu đáo, thế nhưng ông Võ Hồng Phú vẫn không khỏi lo lắng.
“Hiện chưa có điện lưới quốc gia nên nguồn điện chập chờn chưa đảm bảo; đường truyền internet, nhất là ở 2 xã An Sơn và Nam Du rất khó khăn vì hiện nay đang sử dụng sóng viba chứ không phải cáp quang do đó đường truyền rất yếu, có khi vào tải 1 văn bản cũng khó huống chi học trực tuyến. Hai là đời sống của người dân trên đảo còn khó khăn thiếu thốn nên sẽ khó trang bị các thiết bị cho các em học trực tuyến. Ba là trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin của bộ phận giáo viên còn hạn chế”, ông Võ Hồng Phú chia sẻ.
Qua tìm hiểu khối lớp 12 trên địa bàn Tiền Giang, học trực tuyến sử dụng máy vi tính xách tay dưới 50%, thậm chí có trường chỉ đạt 30%. Ngoài thiết bị dạy và học, tại Cần Thơ, không ít phụ huynh và học sinh vẫn rất băn khoăn về việc không biết mua sách và dụng cụ học tập ra sao… Những khó khăn tồn tại sẽ được cấp thẩm quyền giải quyết ra sao? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập đến trong bài 2 “Đổi mới cách tương tác, vượt qua rào cản “mạng”, tự chủ trong học trực tuyến”./.