Hàng ngày, tại các buồng bệnh hình ảnh bệnh nhân thay phiên nhau chăm sóc cho những người yếu hơn bằng cách đút từng miếng cháo, lau người, giặt đồ… không còn xa lạ. Hình ảnh đó như “liều thuốc” tinh thần tiếp thêm sức mạnh để bệnh nhân ở Bình Dương chống chọi với bệnh tật.

Tỉnh dậy sau cơn nguy kịch, chị Vũ Thị Huê (38 tuổi, ngụ xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn chưa hết bàng hoàng. Rưng rưng hai dòng lệ, chị Huê kể, mình bị lây nhiễm tại công ty khi đang thực hiện “3 tại chỗ”. Lúc bệnh trở nặng, tưởng khó lòng qua khỏi thì chị may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Giờ nằm trong phòng hồi sức, chị lại được những người bệnh khoẻ hơn chăm sóc tận tình.

Chị Huê nghẹn ngào: "Khi tôi chuyển đến đây nhiều người lo cho em lắm, từ bác sĩ đến bệnh nhân trong phòng. Người thì lau mình, người thì giặt đồ, người thì đút cháo. Điều này hỗ trợ tinh thần cho tôi nhiều lắm vì không có người thân ở đây."

Cũng từng là bệnh nhân nặng chị Lê Ngọc Khá (25 tuổi, ngụ tại khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An) đã nhận được sự chăm sóc rất nhiều từ những người khác. Có lẽ vì thế mà khi vừa khỏe dậy chị không nằm một chỗ mà xắn tay ngay vào việc chăm sóc bệnh nhân khác cũng đang điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Thuận An.

Chị Khá tâm sự: Nếu không có sự chăm sóc của các bệnh nhân khác thì mình khó mà khỏe lại nhanh chóng. Do đó, chị xác định những ngày còn ở lại bệnh viện sẽ hết mình giúp những người bệnh nặng.

"Khi nằm dưới khu cách ly, tôi nằm tại chỗ không đi được cũng rất nhiều người giúp đỡ. Người ta đút cho từng miếng cháo, muỗng nước, giọt thuốc. Khi vô đây, tôi giúp được người khác thì tôi rất vui. Người ta không sợ khi giúp mình thì tại sao mình phải sợ", chị Khá cho hay.

Những ngày qua, từ con số vài trăm ca mắc COVID-19 khỏi bệnh được xuất viện lên đến hơn 12.000 ca đã cho thấy sự nỗ lực của ngành y tế Bình Dương trong việc áp dụng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân còn rất nhiều, có nhiều bệnh nhân trở nặng nên áp lực khá lớn cho ngành y tế.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh nhân đông nhưng đội ngũ nhân viên y tế mỏng nên mọi người đang phải làm việc gấp 10 lần so với ngày thường cho nên khó có thể chăm sóc tốt từng miếng ăn cho bệnh nhân. Hơn bao giờ hết, sự chia sẻ của bệnh nhân COVID-19 với nhau là rất cần thiết. Bởi, khỏi bệnh không chỉ cần có thuốc mà cần có một tinh thần lạc quan./.