Danh sách này được cập nhật theo ngày qua quá trình nắm bắt, trao đổi thông tin với chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp sở hữu lao động để quản lý chặt chẽ từ xa về con người, cùng lịch trình di chuyển nếu có phát sinh.

Tính đến nay, mới ghi nhận có 4 trường hợp lao động người Lào Cai trong diện F1, cả 4 người hiện chưa về địa phương và đang thực hiện cách ly tập trung ngay tại vùng dịch.

Các trường hợp lao động về từ vùng dịch vào khoảng 500 người, tất cả đều được giám sát, cách ly theo quy định.

Riêng đối với người (bao gồm lao động) từ Bắc Ninh, Bắc Giang trở về, tỉnh Lào Cai có quy định buộc cách ly tập trung 21 ngày như áp dụng đối với trường hợp F1.

Ngoài 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, ngành Lao động tỉnh Lào Cai cũng chủ động liên hệ với tất cả các địa phương khác trong cả nước, củng cố dần danh sách lao động người Lào Cai đang có mặt làm việc để phòng khi dịch bệnh bùng phát sẽ dễ dàng theo dõi. Con số này sơ bộ khoảng trên 14.000 người.

Ngược lại, các lao động địa phương khác đang có mặt tại Lào Cai cũng được rà soát, sẵn sàng cung cấp danh sách cho các tỉnh, thành nếu cần.

Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai, những lao động nói trên chủ yếu là công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, có tổ chức Công đoàn; còn số lao động tự do đang làm các công việc như cắt gội, làm đẹp, nhân viên phục vụ nhà hàng, quán bar… không dễ lên danh sách, riêng một mình Sở cũng khó thực hiện. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát, lao động tự do ở những địa phương giãn cách xã hội dễ mất việc làm và thường có xu hướng trở về nhà.

Vai trò của gia đình trong việc động viên con em đang ở đâu thì ở yên đấy là giải pháp tốt nhất, vì nếu như về thì cũng vẫn bị cách ly. Còn nếu như gia đình vận động không được thì bất kì người nào ở vùng dịch về địa phương là phải phát hiện, báo cáo để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phải làm tốt vai trò quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình di biến động dân cư...

Cũng theo bà Hưng, việc phát huy vai trò của 1.600 tổ tự quản phòng, chống Covid-19 trên toàn tỉnh hiện nay sẽ cho hiệu quả tích cực, vì có thể sâu sát đến từng thôn, bản, tổ dân phố; đồng thời, giúp phát hiện nếu có trường hợp người về từ vùng dịch nhưng khai báo không trung thực; hoặc người từ vùng dịch nhưng không qua chốt kiểm soát mà qua đường mòn, lối mở để về địa phương./.