Theo đó, tại văn bản số 4167, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, UBND thành phố Điện Biên Phủ và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của VOV về tình trạng người dân ngang nhiên chặt cây, làm đường lên nương trong rừng đặc dụng Mường Phăng.

Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu xác định có các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Điện Biên trước ngày 20/12/2021.

Trước đó, ngày 10/12/2021, VOV đã có bài phản ánh về tình trạng người dân Mường Phăng ngang nhiên chặt cây, làm đường lên nương trong rừng đặc dụng Mường Phăng. Cụ thể là để có đường đi làm nương, người dân bản Nọng Háy, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã ngang nhiên hạ cây, tự ý mở đường trong khu vực được quy hoạch của rừng đặc dụng Mường Phăng.

Con đường này được đấu nối với đường liên bản nằm phía cuối bản Nọng Háy rộng chừng hơn 1 mét, dài cả trăm mét xuyên dưới tán rừng đặc dụng Mường Phăng. Người dân nơi đây cho biết, mục đích mở con đường này là để thuận tiện cho việc đi làm nương. Sự việc đã khiến nhiều cây rừng bị chặt hạ, môi trường, cảnh quan tự nhiên trong khu vực bị xâm hại và biến dạng nghiêm trọng.

Điều đáng nói, đây là khu rừng di tích quan trọng bao bọc di tích cấp quốc gia Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cần phải bảo vệ nghiêm ngặt và đã được phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc rừng đặc dụng Mường Phăng bị xâm hại không phải lần đầu tiên xảy ra. Hồi tháng 12/2020, VOV cũng đã có loạt bài phản ánh việc “Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị rút ruột nghiêm trọng”. Điều này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là hiện vẫn còn trên 30 thôn bản cộng đồng nằm xen kẽ trong khu rừng đặc dụng này, thậm chí ngay cả trong vùng lõi. 

Được biết, việc di chuyển các hộ này ra xa rừng đặc dụng chưa triển khai được do thiếu kinh phí và điều kiện đất đai. Trong khi đó, phong tục tập quán của người dân luôn có nhu cầu về gỗ để làm nhà, nên vẫn xảy ra tình trạng âm thầm, lén lút vào khai thác gỗ rừng trái phép./.