Dự án có chiều dài khoảng 83,5 km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km, với số lượng 17 ga và trạm khách (gồm 12 ga cũ, bổ sung mở mới 2 ga và 3 trạm; có 7 ga thuộc địa bàn Ninh Thuân). Bên cạnh đó, có 64 cầu, 5 hầm và 16 km lắp đặt đường ray răng cưa.

Để thực hiện dự án, dự kiến giải phóng mặt bằng đoạn qua Ninh Thuận khoảng 130ha, chủ yếu là đất nông nghiệp. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 27.780 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Dự kiến dự án tuyến đường sắt này sẽ được triển khai từ năm 2024 và hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2030.

Trước đó, vào đầu tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản số 6777 chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đồng thời chấp thuận cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng, nhà đầu tư đề xuất dự án) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Đề cập vấn đề này tại buổi họp báo, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, nếu dự án được triển khai thông suốt sẽ tạo ra một giá trị mới, một giá trị độc đáo không chỉ riêng cho Ninh Thuận, Lâm Đồng, cho khu vực Nam Trung Bộ mà còn cho cả Việt Nam vì có một công trình được ví như “con đường di sản”.

Về tính khả thi của dự án, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Hiện nay Công ty Bạch Đằng đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập hồ sơ đề xuất dự án báo cáo cụ thể cho Bộ GTVT trong đó có một số nội dung đó là phương án tài chính, huy động vốn và những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, quản lý vận hành đều nằm trong hồ sơ báo cáo đề xuất đề án do nhà đầu tư lập và trình cho Bộ GTVT thẩm định. Sau khi thẩm định xong Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện./.