Ông Phạm Mạnh Hùng cho rằng thời kỳ truyền thông vua đã kết thúc.

Ngày nay, không có loại hình báo chí “vua”, phát thanh không còn giữ ngôi vô địch về tốc độ cung cấp thông tin. Báo in dần hoàn thành sứ mệnh và bị tụt lại phía sau. Truyền hình được ưa chuộng hàng đầu ở nhiều quốc gia, nhưng riêng tại nhiều nước Âu, Mỹ lại xếp sau phát thanh.

Ở Việt Nam, một thời gian dài phát thanh có dấu hiệu suy giảm về công chúng, nhưng từ đại dịch Covid-19 cũng như theo đà phát triển của xã hội công nghiệp, con người di chuyển, đặc biệt là bằng phương tiện ô tô ngày một nhiều thì xu hướng nghe phát thanh đang trở lại mạnh mẽ.

Trong vòng 5 – 10 năm nữa sẽ là kỷ nguyên của phát thanh trên nền tảng số, thông qua các nền tảng, ứng dụng OTT…

 “Chúng ta không nên nghĩ là truyền hình mới có nhiều người xem, cũng không thể coi thường rằng phát thanh địa phương, phát thanh cơ sở không có người nghe, càng không nên xem nhẹ những trang tin điện tử bình thường”, ông Phạm Mạnh Hùng lưu ý.

Khái niệm ông “vua” truyền thông bây giờ cũng không còn.

Ngay cả các tập đoàn báo chí, truyền thông hàng đầu cũng không thể chi phối, chiếm lĩnh tuyệt đối công chúng. Tất cả phụ thuộc vào năng lực của mỗi cơ quan, và kiến thức, kỹ năng của từng phóng viên, biên tập viên. Nắm bắt được xu thế đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã sớm đổi mới, xây dựng trở thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đầu tiên của cả nước.

Phát thanh vẫn là chủ lực, nhưng các loại hình khác vẫn quan tâm phát triển, tận dụng nhiều nền tảng để tối ưu khả năng tiếp cận công chúng trong vai trò người cung cấp thông tin chính thống.

“Bên cạnh đó, chi phí đầu tư kỹ thuật không cao băng truyền hình cũng là cơ hội để dành nguồn lực cho đào tạo con người, từ đó cho ra các sản phẩm báo chí chất lượng. Minh chứng là ở mùa Giải báo chí Quốc gia năm 2021 vừa qua, VOV giành về 2 giải A, 2 giải B và 1 giải C ở tất cả các loại hình”, ông Phạm Mạnh Hùng thông tin.

Khó khăn thách thức luôn hiện hữu, nhưng cơ hội cũng sẽ song hành. Môi trường cạnh tranh gay gắt, cơ hội phát triển giữa các cơ quan báo chí lớn nhỏ đã thu hẹp khoảng cách. 

“Quan trọng là phải định vị được mình để hóa giải thách thức, biến nguy thành cơ, cơ quan báo chí nào đến giờ vẫn chưa thoát khỏi nếp vận hành trì trệ của mô hình bao cấp thì đương nhiên sẽ bị người khác vượt lên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm, công chúng hiện đại thì sản phẩm báo chí cũng phải hiện đại.

 

Khởi đầu cho chuỗi 16 đợt tập huấn về kỹ năng truyền thông, báo chí năm 2022 của VOV cho các phóng viên, biên tập viên trong hệ thống Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lào Cai và các Đài cơ sở (hiện đã chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông) cũng tập trung vào mảng “phát thanh hiện đại”.

Mục đích nhằm xây dựng toàn ngành phát thanh phát triển đồng đều, chất lượng, hợp tác, chia sẻ, cạnh tranh bình đẳng từ trung ương đến địa phương, cùng chung mục tiêu phục vụ công chúng hiện đại yêu phát thanh. Đợt tập huấn cũng nhằm hiện thực hóa Thỏa thuận hợp tác truyền thông giữa VOV với UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025. Đợt tập huấn kéo dài trong 3 ngày, từ 1 – 3/7, giảng viên là bà Phó Cẩm Hoa, Phó Trưởng Ban đối ngoại (VOV5) – người từng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát thanh, từng qua môi trường đào tạo tại Đại học Báo chí Lille của Pháp./.