Tỉnh Vĩnh Long có hơn 22.600 người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 2,2% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung tại các phum sóc nơi có chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Khmer. Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, các ngành các cấp tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết, tạo không khí đầm ấm vui tươi cho đồng bào Khmer trong những ngày đầu năm mới này.
Tỉnh Vĩnh Long có 13 chùa phật giáo Nam Tông Khmer tập trung tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Đồng bào Khmer địa phương sinh sống tập trung gần nơi có chùa để thuận tiện trong sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.
Mấy ngày qua, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà tất cả các chùa Khmer trong tỉnh. Tại những nơi đến thăm lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đều báo cáo kết quả triển khai thực hiện chính sách dân tộc của các cấp chính quyền địa phương; đồng thời chúc đồng bào sư sãi Khmer trong tỉnh đón năm mới đầm ấm vui tươi và tiết kiệm.
Tại những nơi đến thăm, đồng bào Khmer thẳng thắng phản ánh về đời sống kinh tế của bà con Khmer ngày càng khấm khá nhờ các cấp chính quyền triển khai và thực hiện tốt các chủ trương chính sách dân tộc của Đảng.
Anh Thạch Thanh ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh cho biết: "Nhà nước hỗ trợ được căn nhà ở ổn định, 2 vợ chồng đi làm ăn và lo cho con ăn học. Tết năm nay phấn khởi hơn nhờ được thoát nghèo".
Ngoài việc thăm và tặng quà chúc tết, tỉnh Vĩnh Long còn tổ chức họp mặt đại biểu là quý sư trụ trì và Ban Quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cán bộ công chức là người dân tộc Khmer đang công tác tại các sở, ban ngành tỉnh nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay này.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu nghe đọc thư chúc tết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh gửi quý vị sư sãi, cán bộ, công chức dân tộc Khmer. Đại diện Ban Dân tộc tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo về đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer.
Tại buổi họp mặt Đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những đóng góp của đồng bào dân tộc Khmer và mong rằng: Các vị sư sãi, chức sắc, chức việc tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; nâng cao tinh thần cảnh giác, chống lại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tinh thần tự lực vươn lên; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tại trường dân tộc nội trú, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm nay Sở giáo dục và đào tạo tổ chức buổi họp mặt mừng Tết cổ truyền cho tập thể thầy cô và các em học sinh trong trường. Tại buổi họp mặt, các em học sinh nghèo học giỏi trong trường được lãnh đạo tỉnh tặng quà và học bổng. Theo báo cáo của nhà trường, từ nhiều năm qua nhà trường luôn duy trì tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, hơn 26% là học sinh giỏi. Từ kết quả này nên các em rất yên tâm khi được vào đây học tập.
Em Thạch Ni, một học sinh của trường cho biết: "Từ lâu em đã quen sống trong môi trường nội trú. Các bạn lớp 10 mới lên chưa quen với môi trường này nên em giúp đỡ phổ biến nội quy nhà trường để các bạn hiểu về nội quy nhà trường. Nhắc nhở các bạn về việc sinh, sinh hoạt trong ký túc xá cũng như ở trên lớp học để các bạn thích nghi và học tập tốt hơn".
Theo Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua Vĩnh Long luôn thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 14,6 tỷ đồng. Thông qua các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng thu nhập… đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer, tạo điều kiện cho đồng bào hưởng thụ văn hóa, đi lại, được chăm sóc sức khỏe, con em đồng bào Khmer đến tuổi đi học thuận tiện hơn so với trước.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách toàn tỉnh có hơn 2.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đồng bào Khmer được thụ hưởng, từng bước giải quyết việc làm, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững./.