Trao đổi với PV VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, tỷ lệ tiêm chủng rất cao không có nghĩa là đạt miễn dịch cộng đồng và không phải tiêm vaccine là không bị lây nhiễm.
Biến thế mới của virus có thể vô hiệu hóa vaccine
Ông Phu cho biết, trên thế giới đã xuất hiện những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, như XE là biến thể lai giữa biến thể BA.1 và BA.2 của Omircon hay biến chủng Deltacron lai giữa Delta và Omicron. Phần lớn những biến chủng này lây lan nhanh hơn những biến chủng cũ khoảng từ 10-20%. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi những biến thể mới lây lan nhanh như thế nào, gây ra triệu chứng nặng và vô hiệu hóa vaccine hiện nay hay không.
Tất cả những yếu tố này có thể gây ra việc quá tải hệ thống y tế, khiến tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng tăng cao, đặc biệt lo ngại nếu số ca tử vong cao không kiểm soát được.
“Thực tế vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đã tăng rất cao, nhưng chúng ta không hề bị quá tải hệ thống y tế, số ca chuyển nặng không cao thậm chí còn giảm, số ca tử vong càng ngày càng thấp. Chúng ta vẫn kiểm soát được dịch, đồng thời nới lỏng cho các hoạt động kinh tế. Do vậy, với diễn biến dịch hiện nay, chúng ta không nên lo lắng quá song cũng không chủ quan vì đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp và khó lường”, ông Phu nói.
Trải qua 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, đến nay, Việt Nam đã có những kinh nghiệm, đồng thời năng lực phòng, chống dịch cũng đã được nâng cao. Giới chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần theo dõi diễn biến dịch trên thế giới, theo sát khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có đánh giá chính xác và phản ứng kịp thời.
“Với bất cứ kịch bản dự phòng chống dịch nào, chúng ta đều không được để bị bất ngờ. Luôn phải dĩ bất biến ứng vạn biến và tiếp tục chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả để vừa tiếp tục chống dịch tốt vừa duy trì làm ăn kinh tế”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chưa thể nói đến miễn dịch cộng đồng
Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 khác với nhiều virus gây dịch bệnh khác. Đặc biệt, miễn dịch ở người đã mắc COVID-19 sẽ giảm sau vài tháng, đồng thời vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Với trường hợp tiêm vaccine, miễn dịch sau đó cũng suy giảm và có người đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, vẫn là nguồn lây cho người khác. Điều này khác với các loại vaccine khác như vaccine sởi hay vaccine chống viêm não Nhật Bản khi tiêm chủng là có miễn dịch hoàn toàn.
“Như vậy, chúng ta khó nói tới khái niệm miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Nhưng có thể sau này, chúng ta có thể có được vaccine như mong muốn, với hiệu quả phòng bệnh cao và bền vững thì chúng ta có thể khống chế được dịch khi dùng vaccine, giống như cách chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt… Hoặc tương lai sẽ có thuốc điều trị. Trong trường hợp, biến thế mới xuất hiện và vô hiệu hóa các vaccine đang sử dụng hiện nay, thì càng không thể nhắc tới miễn dịch cộng đồng trong thời điểm này”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Ông Phu cũng nhấn mạnh khuyến cáo với người dân, theo đó, các biện pháp dự phòng cá nhân là rất quan trọng để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi người càng hạn chế nguy cơ lây nhiễm càng tốt, tránh tư tưởng “rồi ai cũng trở thành F0” bởi vì vẫn còn nguy cơ tái nhiễm hay trở thành nguồn lây bệnh cho người khác và hiện nhiều người quan tâm tới ảnh hưởng của hậu COVID.
Trong dự phòng cá nhân, vấn đề 5K là vô cùng quan trọng. Nhưng người dân cũng phải hiểu đúng rằng, 5K không phải lúc nào cũng thực hiện cùng lúc tất cả các “K”.
“Theo từng trước hợp, chúng ta sẽ xác định “K” nào là ưu tiên và cần phải thực hiện. Ví dụ, trong khi ăn uống chúng ta không thể thực hiện đeo khẩu trang, hay khi xem một trận bóng ta chúng ta không thể không tập trung đông người… nhưng ở các trường hợp này vẫn có thể thực hiện khử khuẩn… Do vậy, thực hiện 5K cũng cần hết sức linh hoạt và nên thực hiện tối đa các “K” có thể để phòng bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm càng tốt”, ông Phu nói.
>> Có 11,8 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19
Nguy cơ dịch đến đâu đáp ứng đến đó
Thực tế bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho thấy, nếu lơ là, chủ quan, các biện pháp chống dịch đáp ứng không tới thì không kiểm soát được dịch bệnh. Ngược lại, nếu đáp ứng thái quá sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế.
Việt Nam đã có những bài học trong giai đoạn phong tỏa và cả bài học khi không phản ứng kịp thời, không đánh giá hết nguy cơ khiến dịch bùng phát mạnh gây quá tải hệ thống y tế, số ca chuyển nặng và tử vong tăng cao như diến biến dịch đỉnh điểm tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam vừa qua. Do vậy, dù là kịch bản nào thì cả hệ thống cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện ứng phó về y tế, nhân lực khi dịch có những thay đổi bất ngờ.
Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, chứng tỏ năng lực y tế cùng năng lực chống dịch của chính quyền các cấp, các bộ ngành và người dân đã được cải thiện.
Việc thay đổi chiến lược sang “chung sống an toàn với đại dịch”, Việt Nam đã bước vào giai đoạn chống dịch linh hoạt, không còn các biện pháp kiểm soát “thái quá” nhưng chúng ta vẫn vừa chống dịch hiệu quả và đảm bảo hoạt động kinh tế, an sinh xã hội./.