Bệnh nhân là bé T.T.L 5,5 tuổi, bé T.P.Đ 9 tuổi là anh em ruột và trường hợp thứ 3 là bé L.H.M 5 tuổi. Các bệnh đều ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Tình trạng của các bệnh nhi khi nhập viện là sốt, nôn ói, đau đầu. Mặc dù, có điều trị trước đó nhưng không thuyên giảm nên được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Riêng 2 trường hợp bé T.T.L 5,5 tuổi; bé T.P.Đ 9 tuổi là anh em ruột, đều có các triệu chứng giống nhau như sốt, nôn ói, ăn kém, đặc biệt là đau đầu dữ dội.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành chọc dịch tủy sống cho cả 3 trường hợp và cho kết quả là tế bào tăng cao với eosinophil chiếm hơn 10% số lượng tế bào trong dịch não tủy. Sau đó, tiến hành test nhanh cho kết quả dương tính với Toxocara (giun đũa chó, mèo).
Các bệnh nhân sau đó được các bác sĩ điều trị tích cực tại bệnh viện kết hợp với nhiều phương pháp hiệu quả. Sau 15 ngày kể từ khi nhập viện điều trị, kết quả kiểm tra cho thấy, cả 03 trường hợp đều đáp ứng tốt với điều trị thuốc giun sán (Albendazole uống) và các điều trị khác.
Các bé đã hết sốt, hết đau đầu, không nôn ói và ăn uống khá. Đặc biệt, dịch não tủy bình thường, có 01 bệnh nhi được xuất viện, 02 bệnh nhi còn lại tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Truyền Nhiễm.
Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khuyến cáo, tình trạng nhiễm giun ở trẻ em thường gặp ở các nước đang phát triển, và nước ta có khí hậu nóng, ẩm thuận lợi cho mầm bệnh giun sán phát triển quanh năm.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà mỗi người sẽ có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, nếu nặng hơn có thể gây thiếu máu, chậm lớn, xuất huyết tiêu hóa, viêm màng não./.