Bão số 5 gây mưa lớn, cảnh báo ngập lụt cục bộ
Chiều 11/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn với các địa phương ở miền Trung và các cơ quan thành viên để triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 5 (Conson) dự kiến đổ bộ vào đất liền trong ngày 12/9.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cho biết, chiều 11/9, tâm bão số 5 cách bờ chỉ còn khoảng 130km, đang mạnh cấp 9, có xu hướng di chuyển chậm.
“Trong 6-12h tới, bão tiếp tục đi theo hướng Tây, có dấu hiệu suy yếu dần xuống còn cấp 8 trước khi đổ vào đất liền. Dự báo từ chiều tối 11/9 đến sáng 12/9 sẽ có gió mạnh ở đất liền. Mưa to sẽ tập trung đêm nay (11/9) đến sáng mai, trọng tâm là Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi (200-300mm); các vùng vệ tinh có lượng mưa 150-200mm. TP Huế, Tam Kỳ, Hội An và Đà Nẵng có nguy cơ cao ngập lụt cục bộ”, ông Khiêm nhận định.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu chuẩn bị ứng phó với cơn bão này. Trong đó, Quân khu 4 và 5 là hai đơn vị trọng điểm ở nơi bão vào đang triển khai nghiêm chế độ trực 24/24h, ứng phó bão.
Huy động 530.000 cán bộ chiến sỹ, 15 máy bay, 1.000 xuồng ứng phó với bão số 5
Theo Đại tá Phạm Hải Châu, hiện nay, Bộ Quốc phòng vẫn đảm bảo kế hoạch sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ, hơn 3.000 phương tiện, đặc biệt đã sẵn sàng 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.000 xuồng các loại, 160 xe đặc chủng,… để ứng phó với cơn bão này. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hải quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị tàu và máy bay để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn trên biển khi có tình huống; đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là dân quân tự vệ làm nòng cốt ở địa phương để tham gia hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại nơi chia cắt, ngập lụt do hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm quy định về dịch Covid-19.
“Để tránh lặp lại những tình huống thiệt hại như trong mùa lũ năm 2020, chúng tôi cũng đã đôn đốc các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát địa bàn, bảo đảm an toàn cho chính lực lượng và trang thiết bị của các đơn vị ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, mất an toàn do bão, mưa lũ”, Đại tá Phạm Hải Châu nhấn mạnh.
“Di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó"
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bày tỏ lo ngại, cơn bão số 5 có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung.
“Do khu vực bão đổ bộ là nơi đang có hàng ngàn ca F0, nguyên tắc là hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Bên cạnh đó, cần tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão. Cũng phải đảm bảo thông suốt trong chỉ đạo do dịch Covid-19, ví dụ việc xe cộ đi lại thế nào, nếu không có luồng xanh riêng cho các phương tiện, cơ quan trực tiếp tham gia chống bão thì sẽ là trở ngại", ", Thứ trưởng Hiệp chỉ đạo./.