Chưa đầy 1 tuần, đã có trên 17.000 người từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk. Chỉ những người có nguy cơ rất cao buộc phải cách ly tập trung, còn phần lớn số người về đều được sắp xếp cách ly tại nơi cư trú, với sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng. Lúc này, những tổ Covid cộng đồng ở Đắk Lắk đang phát huy hiệu quả, tuyên truyền và giám sát người dân thực hiện tốt việc phòng chống dịch từ mỗi gia đình.

Buôn Hluk, xã Ea Tiêu, huyện Chư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vừa có gần hai chục công dân từ các tỉnh phía Nam trở về, thực hiện cách ly tại nhà. Ông Y Nguă Buôn Yă, tổ trưởng tổ Covid-19 cộng đồng buôn Hluk cho biết, so với những lần trước, lần này số người về đông hơn. Không chỉ kiểm tra giám sát người cách ly tại nhà riêng biệt hoặc trên chòi rẫy, tổ covid cộng đồng thường xuyên nhắc nhở mọi người trong buôn hạn chế đi lại, tiếp xúc, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Như gia đình ông Y Nguă, con gái và con rể vừa từ vùng dịch trở về cũng thực hiện như vậy.

“Con gái với con rể đi làm ở Bình Dương về là có quyết định của UBND xã cho cách ly 14 ngày tại nhà, đương nhiên là không được ra ngoài, không được tiếp xúc với xóm giềng. Hai vợ chồng phải ở nhà riêng, cách ly chỉ có 2 vợ chồng. Còn gạo, nước, thức ăn cần thì gọi điện thoại, rồi tôi mang đến cho con, cũng không được tiếp xúc gần”, ông Y Nguă cho hay.

Buôn Hluk có khoảng 150 hộ dân nhưng có tới 5 tổ Covid cộng đồng. Những thông tin dịch bệnh liên tục cập nhật, với sự tuyên truyền thường xuyên của các lực lượng, bà con trong buôn đã ý thức tuân thủ quy định 5K phòng chống dịch. Điển hình như việc ma chay, những tháng qua, bà con thực hiện gọn nhẹ, giới hạn số người, không tổ chức kéo dài tập trung đông người như trước.

Ông Y Sách Bkrông, Buôn trưởng buôn Hluk cho biết: “Chết hôm nay thì mai chôn luôn. Bà con xuống viếng nhanh rồi về, chứ không ở lại lâu. Hoạt động thăm viếng đã được thay đổi rất nhiều, tổ chức nhanh chóng, hạn chế chi phí, tránh tập trung đông người”.

Ông Y Min Ê Nuôl, Bí thư đảng ủy xã Ea Tiêu cho biết, bà con ở các buôn làng đã thấy rõ sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nhất là khi trong huyện có các ca nhiễm, ổ dịch; một số gia đình trong xã có người thân đi lao động ở các tỉnh thành phía Nam bị nhiễm bệnh, tử vong. Để người dân luôn ý thức chấp hành nghiêm công tác phòng dịch, các tổ Covid cộng đồng là những người sâu sát, trực tiếp hàng ngày tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở. Mỗi tổ như vậy từ 4-5 thành viên, gồm người uy tín trong cộng đồng, đảng viên, cán bộ các tổ chức đoàn thể, chính quyền xã.

“Phân công mỗi người phụ trách một địa bàn, một thôn buôn. Kết quả tổ cộng đồng phải báo cáo với UBND xã, thường trực đảng ủy, tổ, thôn, buôn nào không chấp hành nghiêm là phải báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, trao đổi. Anh em trong tổ Covid cộng đồng đi làm không kể nắng, mưa, đêm hay ngày…thực hiện rất tốt nhiệm vụ”, ông Y Min Ê Nuôl cho hay.

Huyện Cư Kuin là nơi đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk phát sinh ổ dịch Covid-19 trong các buôn làng người dân tộc thiểu số. Với nhiều biện pháp quyết liệt, huyện đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh, khôi phục trạng thái “bình thường mới” từ cuối tháng 8.

Ông Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Cư Kuin cho biết, trong thành công đó, có vai trò quan trọng của phòng tuyến chống dịch ngay từ buôn làng. Giám sát các gia đình, các trường hợp buộc phải cách ly theo quy định. Huyện có khoảng 110.000 người sinh sống tại 113 thôn buôn. Ban đầu mỗi thôn buôn chỉ có 1 tổ Covid cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần sâu sát hơn, huyện đã lập tới 547 tổ Covid cộng đồng. 

Chưa đầy một tuần qua, Cư Kuin có hơn 1.000 công dân trở về từ các tỉnh phía Nam. Hiện các tổ Covid-19 cộng đồng đang phát huy hiệu quả để giám sát, cách ly người về địa phương. Ông Lê Thái Dũng cho biết, phải chặt cả ở vòng ngoài và vòng trong, chống dịch Covid-19 ngay từ trong mỗi thôn buôn là cách để thu hẹp nhất phạm vi phong tỏa nếu phát hiện ca bệnh, bảo vệ vững chắc vùng xanh.

“Thành lập 547 tổ Covid-19 cộng đồng toàn huyện để chia nhỏ ra quản lý. Cứ mỗi tổ Covid chỉ quản lý 20-30 hộ gia đình để phát huy tốt nhất năng lực kiểm tra, kiểm soát, giám sát người lao động từ vùng dịch đi về. Cư Kuin tính toán “đánh dịch bằng du kích”, có nghĩa là phải chia nhỏ ra, từ thôn, buôn rồi mới đến xã, rồi khó quá mới đưa về huyện”, ông Lê Thái Dũng chia sẻ.

Việc xây dựng phòng tuyến chống dịch ngay từ trong mỗi buôn làng, cùng với các biện pháp quyết liệt, đã góp phần giúp huyện Chư Kuin một tháng rưỡi qua không có ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng./.