Theo báo cáo từ các địa phương, ngày đầu thành phố Đà Nẵng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, việc buôn bán kinh doanh trở lại còn ít, khách còn e dè khi đến quán. Số lượng người đi tắm biển không đông, chỉ 1 cơ sở tư nhân tự phát phục vụ khách tắm nước ngọt tại chỗ đã được chính quyền địa phương xử lý.

Tối 8/6, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành công văn về việc “một số hoạt động trở lại và các biện pháp áp dụng phòng, chống dịch Covid-19” có quy định: “Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho chủ nhà hàng, quán ăn và người làm việc tại nhà hàng, quán ăn theo kế hoạch của UBND thành phố”. Theo đó, các địa phương cho rằng, muốn phục vụ khách tại chỗ thì các đối tượng phục vụ phải được xét nghiệm.

Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng chiều tối nay, hầu hết các quận, huyện đều nêu khó khăn khi thực hiện yêu cầu bắt buộc xét nghiệm đối với người buôn bán, hộ kinh doanh ăn uống. Người buôn bán mong muốn được xét nghiệm SARS-CoV- 2 nhưng lúng túng không biết xét nghiệm ở đâu.

Về vướng mắc này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, trong văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng không hề quy định bắt buộc người buôn bán, nhân viên phục vụ nhà hàng khách sạn phải lấy mẫu xét nghiệm. UBND thành phố chỉ yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm cho chủ hộ kinh doanh dịch vụ buôn bán.

Ông Lê Trung Chinh yêu cầu các địa phương phối hợp xử lý nghiêm người tắm biển, các hộ kinh doanh dịch vụ không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tiếp tục kiểm soát chặt người ra vào thành phố, tiếp tục phát thẻ cho người đi chợ.

Ông Lê Trung Chinh cho biết, không cần thiết phải yêu cầu toàn bộ người buôn bán thực hiện xét nghiệm: “Về vấn đề xét nghiệm đối với hộ kinh doanh ăn uống, thành phố đã giao sở Y tế và đề nghị đơn vị này lên kế hoạch xét nghiệm  nhưng tinh thần là không nhất thiết phải xét nghiệm 100%. Vì những hộ buôn bán nhỏ, tác động ít, những nhà hàng lớn nếu có tác động thì tác động diện rộng nên cần xét nghiệm. Nếu xét nghiệm hết cho toàn bộ hộ kinh doanh thì đây là một lực lượng lao động rất lớn, nếu để dân chịu tiền thì không nên. Bởi những người buôn bán nhỏ lẻ, khi mở cửa ra là nuôi cả gia đình họ. Vì vậy, cần phải chia sẻ vấn đề này”./.