Đã là đạo đức thì không nên xếp thành hạng 1, 2, 3

Trước việc giáo viên phổ thông đang phải đổ xô đi học các lớp bồi dưỡng để lấy được các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp làm căn cứ tham gia các kỳ thi “nâng hạng”, “giữ hạng” giáo viên, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng đây là một trong những bất cập trên lộ trình trả lương theo vị trí việc làm.

Ông cho rằng, cơ quan quản lý đã áp dụng một công thức cho tất cả mọi người. Luật công chức, viên chức thì phải thực hiện nhưng khi triển khai phải phù hợp với thực tiễn chứ không thể bắt một giáo viên có thâm niên công tác 10, 20 năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế giờ phải tham gia các lớp bồi dưỡng chỉ để lấy một tờ chứng chỉ cho phù hợp với quy định.Nghiên cứu chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng 1, 2, 3, TS. Hoàng Ngọc Vinh không hiểu chương trình được thiết kế để bồi dưỡng giáo viên hay bồi dưỡng nhà quản lý. Mục tiêu bồi dưỡng một đằng nhưng nội dung bồi dưỡng lại một nẻo.Ví dụ nội dung tăng cường năng lực phát triển đội ngũ giáo viên. Trong phần mục đích có đặc điểm là phải vận dụng sáng tạo tâm lý học vào bài giảng của mình nhưng phần chuyên về năng lực thì lại nặng về lập kế hoạch nhân sự, xử lý những vấn đề xung đột… Nội dung này thuộc tầm của cán bộ quản lý chứ không phải là giáo viên. Nghiệp vụ giáo viên chỉ tập trung vào công việc như chuẩn bị bài giảng, giảng bài, kiểm tra đánh giá, quản lý lớp học cho tốt, xử lý các mối quan hệ trong nhà trường…Về học phí đào tạo bồi dưỡng theo quy định có thể lấy từ nguồn cơ sở nhà trường và có thể của người học. “Nhưng ngân sách nhà trường làm gì có buộc người học phải bỏ tiền túi ra. Học phí bồi dưỡng chứng chỉ lại quá cao, học chủ yếu theo phương pháp thuyết trình lạc hậu. Học xong là quên, học xong cũng chỉ nhằm mục đích được cấp chứng chỉ, thậm chí chỉ học 3-5 ngày cấp chứng chỉ, học như vậy có ổn không?. – TS. Hoàng Ngọc Vinh đặt câu hỏi.Khó hiểu nữa, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, đạo đức nghề nghiệp là quy định chung trong Luật rồi nhưng soi chiếu vào chuẩn giáo viên hạng 1, 2, 3 tại sao lại chia đạo đức nhà giáo làm 3 hạng 1, 2, 3? Đạo đức nhà giáo chia được sao?Chia sẻ quan điểm về việc giáo viên phổ thông đang lao tâm, khổ tứ với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cũng bức xúc khi đạo đức nhà giáo được chia làm 3 hạng.

Theo Thông tư 03/2021 của Bộ GD&ĐT về nội dung "Tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo" thì giáo viên hạng III phải “thường xuyên trau dồi”, hạng II phải “luôn luôn gương mẫu” và hạng I phải là “tấm gương mẫu mực” về đạo đức. Thầy Hiếu cho rằng, nghề nào cũng cần đạo đức. Nghề giáo càng phải cần có đạo đức nghề giáo. Mà đã là đạo đức thì không nên xếp thành hạng 1, 2, 3 như thế.

Đừng gây lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc chỉ để lấy chứng chỉ

Đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT, Bộ nội vụ đạt được sự thống nhất về việc bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên nhưng thầy giáo Trần Trung Hiếu cho rằng, việc giáo viên vẫn phải bỏ thời gian, tiền bạc để đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo từng hạng 1, 2, 3 là một sự lãng phí lớn.

Từ thực tế, thầy Hiếu nhận thấy, nội dung của các lớp tập huấn đó không có gì mới. Thậm chí khi học đại học sư phạm, các thầy cô đã trải qua những bài học tương tự như thế. “Đa số giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp mục đích không phải vì nghiệp vụ, chuyên môn mà là nỗi lo khi bị xếp là giáo viên hạng 2, hạng 3 sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khi sắp tới bãi bỏ thâm niên công tác, đồng lương của giáo viên vốn đã thấp thì điều họ lo lắng là dễ hiểu” - Thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ.Trong khi đó, GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam tỏ ra bức xúc khi giáo viên vốn đã nghèo nay phải tự bỏ ra khoản tiền 3-4 triệu để đi học lấy một chứng chỉ nghề nghiệp. “Căn bệnh trầm kha trong công tác quản lý là ở nhiều ngành là đặt ra những quy định này, quy định khác mà không có tiền thì không làm được”. – GS. Phạm Tất Dong chia sẻ.Còn Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải chỉ nêu quan điểm ngắn gọn, giáo viên đã tốt nghiệp các trường sư phạm, đã được đào tạo bài bản, toàn diện là đủ điều kiện để đứng lớp giảng dạy mà không cần thêm chứng chỉ nghề nghiệp nào nữa.Nghe chương trình 30 phút Cùng VOV2: "Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp - giấy phép con gây phiền nhiễu giáo viên"?